Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 13/02/2024, 06:51 (GMT+7)

Năm Thìn tản mạn chuyện Rồng

Hình ảnh Rồng luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức cũng như văn hóa người Việt. Trong lịch sử dân tộc, năm Thìn ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ. Nhiều danh nhân văn hóa tuổi Thìn có những đóng góp to lớn cho dân tộc; nhiều nghệ sĩ tuổi Thìn hoạt động nghệ thuật, gặt hái nhiều thành công.

1. Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng). Người dân Việt Nam ta, dù đi đâu, ở đâu trên khắp năm châu đều luôn tự hào về nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên”.

Dù có nhiều cách lý giải về nguồn gốc Rồng thì trong tâm thức của người Việt, đây là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm - dương, trời - đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước, một nghề tối cổ trên đất Việt được hình thành từ cơ sở của hai yếu tố tự nhiên khởi nguyên là đất và nước.

Nhìn từ góc độ văn hóa, Rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, Rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh…

Hình tượng rồng thật thân thiết, sâu đậm trong tâm thức, đời sống tâm linh của người Việt. Trong đời sống dân gian, Rồng được thể hiện rất phong phú: múa Rồng trên sân đình vào các dịp hội hè, lễ tết; trò chơi Rồng rắn lên mây của trẻ con; Rồng trong tranh dân gian Đông Hồ…

Ngày nay, bước vào thời đại công nghiệp, kỹ thuật số, người Việt không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Hình tượng con Rồng Việt vẫn được ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Rồng được trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, điêu khắc, chạm trổ, mỹ thuật ứng dụng, trang phục...

24064709_09ag_7zh6_220217-Converted-01-min

2. Đối với người Việt Nam, năm rồng (năm Thìn) ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ trong lịch sử dân tộc: Mậu Thìn (548): Triệu Quang Phục xưng Vương; Mậu Thìn (968): nước Đại Cồ Việt ra đời; Canh Thìn (980): Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế; Nhâm Thìn (1952): chiến dịch Tây Bắc thắng lợi; Bính Thìn (1976): Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất…

Còn nhiều ý kiến tranh cãi về  năm sinh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có tài liệu ghi năm sinh của Ngài là năm Nhâm Thìn 1232. Ngài là danh tướng thời nhà Trần, là anh hùng dân tộc, người có công ba lần dẹp giặc Nguyên Mông. Ngài cũng là nhà nghiên cứu quân sự tài ba với bộ binh pháp kinh điển Binh Thư Yếu Lược và Vạn Kiếp Bí Truyền.

Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi tuổi Canh Thìn 1280 là danh sĩ đời Trần. Ông làm quan trải qua ba triều: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông và được thăng đến Tả bộc xạ Đại liên ban.

Đại quan nhà Trần - thầy giáo Chu Văn An sinh năm Nhâm Thìn 1292. Một cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng. Ông là bậc hiền nho được lịch sử tôn xưng là “vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời.

Phan Đình Phùng tuổi Giáp Thìn 1844 là chí sĩ, anh hùng chống Pháp, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê; Nguyễn Thiệt Thuật tuổi Giáp Thìn 1844 là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Trần Phú tuổi Giáp Thìn 1904 - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khi mới 26 tuổi. Là học trò ưu tú của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là tấm gương sáng về lòng trung thành, ông đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Nguyễn Phan Chánh - danh họa xuất chúng tuổi Nhâm Thìn 1892, là bậc thầy của hội họa lụa Việt Nam. Ông đã tạo ra diện mạo tranh lụa Việt Nam không lẫn với bất kỳ một phong cách nào khác.

Xuân Diệu - nhà thơ lãng mạn trữ tình sinh năm Bính Thìn 1916. Ông là tác giả của những áng thơ tình lãng mạn, một nhà phê bình, nhà lý luận văn học tài hoa; được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

3. Trong tử vi phương Đông, Rồng là biểu tượng tham vọng và thống trị. Do đó, những người sinh vào năm Thìn được cho rằng luôn tràn đầy năng lượng và sức mạnh, dễ đạt được giàu có và quyền lực. Làng văn hóa giải trí cũng có nhiều nghệ sĩ tuổi rồng đã có những hoạt động nghệ thuật ghi dấu ấn.

Đầu tiên có thể kể tới diễn viên, MC, NSND Xuân Bắc (Bính Thìn 1976) - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Ngoài vài trò là một nghệ sĩ đa năng, Xuân Bắc còn tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể và tạo sức ảnh hưởng tích cực. Anh là đại sứ thiện chí của UNICEF về nước sạch và vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam khoá VIII.

Đó là “cặp đôi hoàn hảo” của dòng nhạc thính phòng cùng tuổi Bính Thìn (1976) Anh Thơ và Trọng Tấn. Hai ca sĩ từng học và giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cả hai cùng có chặng đường hoạt động nghệ thuật nhiều dấu ấn.

Hà Kiều Anh (Bính Thìn 1976) đạt danh hiệu Hoa hậu Việt Nam 1992 khi 16 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử cuộc thi Hoa hậu. Cô ghi dấu với vai trò là người mẫu, diễn viên điện ảnh, ngoài ra còn rất thành công trên cương vị một doanh nhân thành đạt.

Các ca sĩ Ngô Kiến Huy, Đông Nhi, Hoàng Thùy Linh, Noo Phước Thịnh, Hoa hậu Mai Phương Thúy (cùng sinh năm Mậu Thìn 1988) cũng gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp.

Sinh năm Canh Thìn 2000, diễn viên Bảo Hân, Quang Anh, ca sĩ Amee... cũng đã trở thành biểu tượng mới của showbiz Việt, có những vai diễn, những sản phẩm âm nhạc được đón nhận nồng nhiệt.

Với tính cách mạnh mẽ, sống có khát vọng và hoài bão làm việc lớn, những ngôi sao trẻ hứa hẹn sẽ tiếp tục có những hoạt động bùng nổ vào năm mới Giáp Thìn 2024.​

Từ khóa:
Cùng chuyên mục