Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 24/07/2023, 06:13 (GMT+7)

Loạt sự thật thú vị về chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới

IBM Simon được nhiều trang công nghệ và giới chuyên môn công nhận là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới khi lên kệ vào năm 1994.

Lên kệ vào ngày 16/8/1994, Simon được xem là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới. Được trang bị màn hình cảm ứng, tính năng email và nhiều tính năng khác, Simon đã đặt nền móng cho những thiết bị điện thoại hiện đại sau này.

dt
Chiếc IBM Simon đặt cạnh một chiếc iPhone 4S của Apple tại Bảo tàng Khoa học, London, Anh. (Ảnh: Getty Images).

IBM và BellSouth lần đầu tiên giới thiệu Simon vào năm 1992

Simon có tên mã là “Angler” và được giới thiệu tại hội thảo COMDEX diễn ra ở Vegas vào mùa thu năm 1992. Dù vậy, Simon không được bán tới tay người dùng cho tới tận ngày 16/8/1994. Thời điểm đó, Simon không có trình duyệt web. Dù vậy, việc hỗ trợ tính năng email là một điểm cộng lớn của chiếc điện thoại này. Bên cạnh đó, Simon cũng có thể gửi đi những bản fax.

Simon có kích thước lớn cùng mức giá đắt đỏ

So với tiêu chuẩn công nghệ hiện tại, Simon có kích thước quá lớn cùng mức giá đắt đỏ đổi với một chiếc điện thoại thông minh. Chiếc điện thoại này được nhà sản xuất bán ra với giá 1.100 USD. Và nếu như bạn ký hợp đồng 2 năm với BellSouth, bạn có thể mua máy với giá 900 USD. Mức trợ giá này sau đó tiếp tục được giảm xuống còn 600 USD. IBM Simon có kích thước thân máy với chiều dài 8 inch, chiều rộng 2,5 inch và độ dày 1,5 inch.

Simon có màn hình cảm ứng và ứng dụng

Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết màn hình cảm ứng đã được đưa vào sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Dù vậy, dĩ nhiên là chúng không phổ biến như thời điểm này. Simon được cho là chiếc điện thoại thương mại đầu tiên có màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, người dùng cần tương tác với màn hình này bằng một cây bút stylus.

Simon không có kho ứng dụng nhưng được cài sẵn một số ứng dụng như sổ danh bạ, máy tính, lịch năm, fax, quản lý tệp tin, email, ghi chú, đồng hồ…

Simon có tính năng hỗ trợ dự đoán ký tự khi nhập liệu

Tính năng dự đoán ký tự khi nhập liệu của Simon có tên PredictaKey. Theo hướng dẫn sử dụng điện thoại, tinhs năng này sẽ “luông hiển thị 6 chữ nhiều khả năng bạn đang cần nhất, tuỳ thuộc vào ký tự mà bạn vừa nhập liệu”.

BellSouth cũng đã từng làm việc với Apple để phát triển kết nối dữ liệu di động cho thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân (PDA) Newton

Thời điểm đó, để trấn an lo lắng về việc Simon có thể sẽ cạnh tranh trực tiếp với Newton, ông Rich Guidotti, giám đốc sản phẩm lúc đó của BellSouth nói rằng việc công ty này hợp tác với Apple sẽ không bị ảnh hưởng bởi chiếc Simon mới. Ông nói rằng Newton của Apple là một thiết bị sắp xếp công việc điện tử, trong khi đó Simon là một thiết bị liên lạc cá nhân. “Không có một sản phẩm nào có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi người dùng”, ông chia sẻ thêm.

Cuối cùng hợp tác phát triển mạng di động cho Newton giữa BellSouth và Apple đã không diễn ra. Newton đã ra mắt mà không được tích hợp loại kết nối này.

Simon không nhận được nhiều thành công về mặt thương mại

Mặc dù có nhiều tính năng mới, Simon không nhận được nhiều thành công khi lên kệ. Simon chỉ được bán trên thị trường trong khoảng 6 tháng với doanh số trên dưới 50.000 máy. Thời lượng pin yếu (chỉ sử dụng được khoảng 1 giờ cho mỗi lần sạc) và sự xuất hiện của những chiếc điện thoại gập với thiết kế kiểu cách hơn, đã khiến Simon không thể thuyết phục được người dùng. Bên cạnh đó, IBM và BellSouth dường như cũng không còn mặn mà với dự án cùng hợp tác chung này.

Cùng chuyên mục