Lãi suất 'hạ nhiệt' thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển
Thời gian qua, lãi suất ngân hàng liên tục “hạ nhiệt”, đây được xem là “liều thuốc” giúp các doanh nghiệp vực dậy sau những khó khăn.
- Vay vốn ngân hàng MB: Điều kiện, thủ tục, lãi suất
- Thêm hai ngân hàng giảm lãi suất, nên gửi tiết kiệm thế nào để có lãi cao nhất?
- Lãi suất điều hành giảm thêm 0,5% từ ngày 25/5
Sự quyết liệt của Nhà nước
Mới đây, Ngân hàng nhà nước vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng, Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8/2023 và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 08/01/2024.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Trước đó hồi giữa tháng 7, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu giảm ít nhất từ 1.5 - 2%/năm áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng nước ngoài triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nhiều nhà băng đồng loạt giảm lãi suất
Trước tình hình đó, nhiều nhà băng đã đồng loạt giảm lãi suất, cho thấy sự chung tay của ngành ngân hàng trong việc đồng hàng, tháo gỡ những nút thắt vướng mắc để khơi thông dòng vốn tín dụng, kịp thời đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Theo đó, trong hôm nay, ngày 16/8, Vietinbank vừa thay đổi biểu lãi suất huy động sau 2 ngày và giảm mạnh 0,3-0,4 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống còn 6,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ mức 7,2%/năm xuống còn 6,8%/năm. Kỳ hạn 13 tháng hiện là kỳ hạn có lãi suất cao nhất tại VietBank, với 6,9%/năm.
Cùng ngày 16/8, lãi suất SeABank cũng tiếp tục giảm 0,3 điểm %. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm sâu xuống dưới 6%, tối đa chỉ còn 5,9%/năm dành cho số tiền gửi 10 tỷ đồng. Lãi suất tối đa kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,5% xuống 6,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng cao nhất chỉ còn 6,6%.năm.
Trong vài ngày gần đây, nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh giảm sâu lãi suất huy động xuống dưới 7%/năm. Chẳng hạn, tại MB từ ngày 15/8 giảm 0,1 điểm % ở hàng loạt kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng điều chỉnh xuống 4%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4,2%/năm và 5 tháng là 4,3%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng - 13 tháng - 24 tháng - 36 tháng, lãi suất của MB lần lượt là 6 - 6,1 - 6,4 - 6,6%/năm. Mức 6,6%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất của MB hiện nay, áp dụng cho khách hàng khu vực Miền Trung và Miền Nam khi gửi tiền từ 24 tháng trở lên. Sau điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của MB xuống mức thấp nhất hệ thống, thấp hơn cả nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank).
Tại GPBank, ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống dưới 7%/năm. Theo đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng chỉ còn 6,95%/năm, áp dụng với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên khi gửi tiết kiệm online. Mức lãi suất này thấp hơn 0,4 điểm % so với trước. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4 điểm % xuống 6,65%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 7,25%/năm.
VIB cũng vừa áp dụng biểu lãi suất mới và giảm 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 36 tháng của nhà băng này giảm từ 6,9%/năm xuống 6,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,7% xuống 6,5% và kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6,6% xuống 6,4%.
Lãi suất giảm, doanh nghiệp mừng hay lo?
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực kích thích sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế hậu Covid-19 cũng như những khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, chiến tranh giữa Nga và Ukraina. Do đó, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho lãi vay hạ nhiệt ở thời điểm này để hỗ trợ các doanh nghiệp có nguồn vốn với chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động kinh doanh được cho là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nhìn nhận, việc giảm lãi suất chỉ là liều thuốc “cấp cứu” tạm thời đối với sức khỏe doanh nghiệp. Theo đó, để cứu được “con bệnh”, cần phải có dòng tiền thật đi vào thị trường. Muốn vậy, phải có thêm nhiều giải pháp khác. Trong đó, giải pháp và cũng là dòng tiền khả thi nhất là đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, tạo sức lan tỏa. Giải pháp cần kíp tiếp theo là gỡ vướng thủ tục pháp lý để doanh nghiệp có thể bán dự án, thanh lý tài sản, tạo dòng tiền. Đây cũng là giải pháp mà Trung Quốc đang làm.
Ngoài ra giảm lãi suất - yếu tố tác động mang tính ngắn hạn thì giải pháp cơ bản hơn để tăng dòng tiền cho nền kinh tế là cần phát huy hiệu quả của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Về phần mình, bản thân các doanh nghiệp cần mạnh mẽ hơn trong công khai, minh bạch thông tin cũng như đưa ra lộ trình tái cấu trúc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tháo gỡ hàng loạt vướng mắc pháp lý liên quan tới dự án bất động sản để giúp doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho, thu hồi dòng tiền. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng cũng là rất quan trọng.
Cùng với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và gỡ vướng mắc pháp lý, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường thế giới suy giảm hiện nay, Chính phủ cần nghiên cứu gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng dòng tiền quá nhanh trong thời gian qua có khả năng kéo theo những bất ổn tiềm tàng đến tỷ giá và luồng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài khi lạm phát đang có dấu hiệu nóng lên.