Lãi suất ngân hàng đua nhau giảm: Gửi bao nhiêu tiền để được lãi cao nhất 9,1%
Lãi suất ngân hàng gần đây liên tục có xu hướng giảm. Nhiều người thắc mắc không biết gửi tiết kiệm bao nhiêu để vẫn nhận được lãi suất cao, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Theo Vietnamnet, NCB đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 18/7 trong đó điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 6 – 7 tại ngân hàng tháng còn 7,2%/năm, kỳ hạn 8 – 9 tháng là 7,3%/năm. Tại kỳ hạn 12 – 13 tháng, lãi suất huy động của ngân hàng là 7,5%/năm, kỳ hạn 15 – 36 giảm dần từ 7,4% đến 7,2%.
HDBank cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ngân hàng đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng 0,3 điểm % về mức 7%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 12 – 15 tháng cũng giảm 0,3 điểm % xuống còn 7%/năm.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài là 18 tháng và 24 – 36 tháng giữ nguyên mức cũ, lần lượt là 7,1% và 6,9%/năm.
Tuy nhiên, HDBank cho hay, lãi suất tiền gửi vẫn có thể đạt mức lên đến 9,1%/năm (kỳ hạn 13 tháng gửi tại quầy) nếu khách hàng gửi số tiền lên đến 300 tỷ đồng.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng còn lại không thay đổi. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng 7, gồm: TPBank, Saigonbank, SHB, ABBank, NamA Bank, Eximbank, LPBank, OCB, BacA Bank, VPBank, BVBank, VietBank, MSB, OceanBank, SeABank, GPBank, PVCombank, NCB, HDBank và BaoViet Bank.
Theo NHNN, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các Ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022.
Lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
Thông tin về lãi suất chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi trong từng thời kỳ.