Học cơ khí ra làm gì? Cần lưu ý gì khi chọn ngành cơ khí
Ngành công nghệ Kỹ thuật Cơ khí là gì? Học Cơ khí ra làm gì? Chắc hẳn đây là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người. Nhất là các bậc phụ huynh và học sinh lớp 12 đang có ý định thi vào đại học.
Với sự phát triển Kinh tế - Xã hội, vai trò và vị trí của Kỹ thuật Cơ khí là không thể phủ nhận. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước, những ngành nghề liên quan đến cơ khí luôn nhận được sự quan tâm đầu tư phát triển mạnh. Bởi nó đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của công nghiệp. Bài viết dưới đây của Tiếp thị và Gia đình sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về Công nghệ Kỹ thuật cơ khí cũng như học cơ khí ra làm gì.
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí là gì?
Kỹ thuật Cơ khí là ngành khoa học kỹ thuật liên quan đến thiết kế, chế tạo và vận hành máy móc. Bằng cách ứng dụng các nguyên lý vật lý, ngành cơ khí tạo ra cho con người các loại máy móc và thiết bị hữu ích. Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí tham gia vào tất cả các lĩnh vực như phương tiện giao thông, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí. Vì thế, nó được coi là ngành chủ yếu tạo ra tư liệu lao động của con người trong thế giới hiện đại.
Ngoài khối kiến thức đại cương, học Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí sẽ được học các môn chuyên ngành tiêu biểu như: Hình họa – vẽ kỹ thuật, cơ lý thuyết, nguyên lý – chi tiết máy, cơ học lưu chất, điện, kỹ thuật điện tử, cơ sở vẽ và thiết kế trên máy tính, điều khiển tự động, công nghệ CAD/CAM/CNC…
Ngoài học lý thuyết trên lớp, các bạn sinh viên sẽ được thực tập thực tế tại nhà máy, công xưởng để nâng cao khả năng thực hành. Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ năng gia công, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí; giải quyết những vấn đề liên quan đến lắp ráp, vận hành máy móc, thành thạo bản vẽ kỹ thuật và công nghệ CAD/CAM/CNC/CAE.
Học ngành Kỹ thuật cơ khí ra làm gì?
Công nghệ Kỹ thuật cơ khí đang là ngành hot hiện tại và cả trong tương lai, khi mà công cuộc công nghiệp hóa của đất nước đang diễn ra mạnh mẽ. Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành này đang tiếp tục tăng nhanh. Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ có cơ hội việc làm khá đa dạng với mức thu nhập hấp dẫn. Dưới đây là một số câu trả lời cho thắc mắc “Học cơ khí ra làm gì?”
Học cơ khí ra làm gì? - Làm việc ở nhà máy sản xuất
Lựa chọn đầu tiên là làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc công ty cơ khí với vai trò là kỹ sư. Tùy thuộc vào trình độ chuyên môn mà bạn sẽ có nhiều vị trí lựa chọn thích hợp:
-
Kỹ sư lập trình gia công cho máy CNC: lên các chương trình cho máy tính để điều khiển các bộ phận một cách tự động theo những thứ đã lập trình sẵn nhằm gia công các sản phẩm đúng yêu cầu.
-
Kiểm tra các bản thiết kế và thực hiện gia công theo yêu cầu
-
Quản lý, giám sát trực tiếp sản phẩm gia công để phát hiện sai sót.
-
Kỹ sư lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì máy móc, thiết bị cơ khí và chịu trách nhiệm trong việc đưa ra các phương thức để cải tiến cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả của sản xuất.
Làm việc ở phòng kỹ thuật
Làm việc tại phòng kỹ thuật là đáp án tiếp theo cho câu hỏi “Học cơ khí ra làm gì?”. Tại phòng kỹ thuật, bạn sẽ đảm nhận các nhiệm vụ như:
-
Phân tích, bóc tách và thiết kế các chi tiết
-
Lập quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm
-
Thiết kế 3D khuôn mẫu cơ khí.
-
Là người hiểu rõ thành phần và cơ chế vận hành của máy nhất, do đó bạn sẽ là người hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng khi có vấn đề về kỹ thuật.
Làm việc ở vị trí giám sát lắp đặt, sửa chữa máy móc
Với vị trí giám sát lắp đặt, sửa chữa máy móc, bạn có thể đảm nhận các nhiệm vụ sau:
-
Kỹ sư giám sát lắp đặt các thiết bị cho nhà máy đúng với quy trình, báo cáo tiến độ thực hiện
-
Kỹ sư bảo trì, bảo dưỡng máy móc, dây chuyền sản xuất: máy móc hoạt động thời gian dài dễ xảy ra trục trặc, do đó bạn cần thường xuyên theo dõi tình trạng máy móc để kịp thời nắm và có kế hoạch sửa chữa
-
Kỹ sư tổ chức quản lý thi công kết cấu, thiết bị, đường ống, giàn giáo từ khâu bắt đầu đến lúc nghiệm thu.
Làm việc ở vị trí vận hành dây chuyền
Nhu cầu tuyển dụng tại các vị trí giám sát vận hành đang ngày càng gia tăng. Đây là một vị trí vô cùng quan trọng trong các nhà máy. Nhiệm vụ của bạn là đảm bảo cho dây chuyền sản xuất hoạt động trơn tru, giảm tính trạng gián đoạn sản xuất do máy móc hư hỏng gây ra. Mỗi nhân viên giám sát vận hành sẽ được yêu cầu trang bị các kiến thức và kỹ năng riêng, tuỳ vào từng loại máy móc. Những vị trí vận hành dây chuyền sản xuất bạn có thể làm như:
-
Giám sát vận hành tại các nhà máy thủy điện, nhiệt điện
-
Giám sát vận hành tại các nhà máy xi măng
-
Giám sát vận hành tại các nhà máy sản xuất công nghiệp và sản phẩm tiêu dùng
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia vào một số công việc khác như: Đào tạo nhận sự, đội ngũ nhân công giúp để nâng cao tay nghề; báo cáo tiến độ công việc định kỳ cho cấp trên và một số nhiệm vụ khác được phân công.
Những điều bạn cần lưu ý khi chọn học ngành kỹ thuật cơ khí
Lựa chọn ngành nghề có rất quan trọng đối với trọng đối với tương lai của mỗi người. Do đó, trước khi lựa chọn hàng ngành kỹ thuật cơ khí, bạn cần tìm hiểu kỹ để có những lựa chọn hop
Lưu ý đầu tiên là xem xét sự phù hợp giữa tính cách của bạn và môi trường công việc. Công việc thường xuyên tiếp xúc với máy móc, tiếng ồn và lặp đi lặp lại các quy trình công nghệ. Điều này đòi hỏi bạn phải có đức tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì cao. Ngoài ra, bạn cũng cần khả năng sáng tạo và bứt phá lớn để có thể cải tiến quy trình, sản phẩm hoặc đem lại những thứ mới mẻ hơn.
Thứ hai, bạn cần có một nền tảng tốt về các môn khoa học tự nhiên như Toán học, vật lý. Đây là công việc đòi hỏi sự đánh giá và nhìn nhận các yếu tố trong thế giới vật lý thực. Bạn không chỉ thuộc công thức mà còn phải hiểu rõ nguyên lý vận hành. Với nền tảng tốt về khoa học tự nhiên, bạn sẽ có khả năng tập trung, tư duy logic phân tích tốt những vấn đề kỹ thuật phức tạp. Với việc xử lý các nguồn thông tin mạch lạc, bạn có thể quản lý và vận hành những hệ thống kỹ thuật phức tạp hơn trên thực tế.
Thứ ba, hãy chọn cho mình một chuyên môn. Ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí rất rộng, kiến thức liên quan đến ngành này là mênh mông. Do đó, bạn không thể chỉ hiểu biết một cách khái quát về nó mà phải chọn cho mình một hướng đi để tập trung đẩy mạnh một chuyên môn. Bạn phải lựa chọn càng sớm càng tốt, bởi điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm công sức và thời gian. Đồng thời hỗ trợ bạn rất nhiều trên con đường thăng tiến sự nghiệp. Một số gợi ý về chuyên ngành trong ngành công nghệ cơ khí như Ô tô và máy tự động, công nghệ nano, thiết kế sản phẩm, sản xuất, robot và tự động hóa, kỹ thuật năng lượng, dệt may, công nghệ sinh học…
Cuối cùng, làm bất kỳ một công việc gì cũng cần có niềm đam mê và yêu thích. Với Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, bạn cần có sự yêu thích kỹ thuật và niềm đam mê với máy móc. Bởi máy móc chính là những người bạn đồng hành hàng ngày với bạn. Nếu không có niềm đam mê với chúng, bạn sẽ dễ cảm thấy nhàm chán và dễ dàng từ bỏ. Ngược lại, sự đam mê sẽ khiến cho bạn có năng lượng tích cực để làm việc, học hỏi và tạo ra những sản phẩm tâm huyết.
Trên đây là những thông tin cơ bản về ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí mà tạp chí Tiếp thị và Gia đình muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng rằng, sau khi đọc bài viết, bạn sẽ lựa chọn được cho mình những đáp án cho câu hỏi “Học cơ khí ra làm gì? Cần lưu ý gì khi chọn ngành cơ khí”. Đây là ngành học có tiềm năng nhưng không phải ai cũng phù hợp để bước chân vào con đường là một kỹ sư cơ khí. Bạn hãy tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn cho mình một con đường tương lai nhé. Chúc bạn thành công!