EU nới lỏng lệnh cấm ô tô sử dụng động cơ đốt trong
Các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vẫn sẽ được bán mới tại châu Âu sau thời điểm năm 2035, nếu chúng sử dụng các loại nhiên liệu tổng hợp đáp ứng được yêu cầu trung hòa khí thải.
Ngày 25/3/2023, Liên minh châu Âu (EU) và Đức đạt được thỏa hiệp về lệnh cấm ô tô chạy xăng và dầu diesel. Đức dỡ bỏ quyền phủ quyết để đổi lấy sự miễn trừ đối với nhiên liệu tổng hợp. Ngay sau khi thỏa thuận này đạt được, ngày 27/3, đại diện của 27 nước thành viên EU đã thông qua một lệnh cấm dự kiến áp dụng với tất cả các động cơ đốt trong mới vào năm 2035.
Ngày 28/3, tại cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng EU ở thủ đô Brussels (Bỉ), 27 quốc gia thành viên EU đã phê chuẩn việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với ôtô mới từ năm 2035. Chủ tịch Thụy Điển của Hội đồng EU cho rằng, sự thay đổi triệt để này là một phần trong nỗ lực của EU nhằm đạt được tính trung lập carbon vào năm 2050.
Theo đó, từ năm 2035, các phương tiện mới sẽ không còn được phép thải ra khí carbon dioxide (CO2). Điều này có nghĩa là việc bán các loại xe chạy bằng xăng, dầu diesel và hybrid mới sẽ bị cấm một cách hiệu quả tại châu Âu, nhường chỗ cho các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Trong số 27 nước EU, chỉ có Ba Lan bỏ phiếu chống. Các nước Italy, Romania và Bulgaria đã bỏ phiếu trắng.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức muốn Ủy ban đưa ra các đề xuất cho phép các phương tiện chạy bằng nhiên liệu tổng hợp. Đây là loại nhiên liệu đang phát triển trong lĩnh vực nhiên liệu bền vững. Thay vì chiết xuất từ dầu thô như xăng/dầu hiện nay, nhiên liệu tổng hợp, như xăng/dầu tổng hợp, xăng sinh học (efuel), e-methane hoặc e-methanol, được tạo ra bằng cách tổng hợp khí CO2 và hydro (được sản xuất bằng cách sử dụng điện tái tạo hoặc không có CO2). Một loại nhiên liệu khác, hydrogen, đã được mô tả là năng lượng của tương lai sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch…
Thế nhưng, quá trình tách nước thành oxy và hydro cần năng lượng và vẫn chưa có đủ năng lượng tái tạo cho quá trình đó. Việc lưu trữ hydro cũng là một thách thức cho sáng kiến này.
Cuối cùng, EU đã buộc phải chấp thuận yêu cầu của Đức – nền kinh tế lớn nhất của khối để mở ra một con đường cho xe chạy động cơ đốt trong sau năm 2035. Các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vẫn sẽ được bán mới tại châu Âu sau thời điểm năm 2035, nếu chúng sử dụng các loại nhiên liệu tổng hợp (synthetic fuel/e-fuel) đáp ứng được yêu cầu trung hòa khí thải.
Trước phán quyết của EU, các hãng xe thể thao như Ferrari (Italy) và Porsche (Đức) có phản ứng vui mừng nhất bởi việc nới lỏng các chính sách về khí thải của EU đã giúp cho họ có điều kiện phát triển thuận lợi.
Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ chấm dứt những tranh cãi nhiều tuần qua, vốn đe dọa phá vỡ chính sách biến đổi khí hậu của EU về đạt trung hòa khí thải vào năm 2050.