Thứ hai, 09/12/2024, 13:41 (GMT+7)

Đề xuất giải pháp đánh thuế bất động sản với người sở hữu từ 2 nhà, đất trở lên, Bộ Tài chính thông tin gì?

Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp, xác định những bất cập trong quá trình thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản; trong đó có trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng để báo cáo các cấp có thẩm quyền vào thời điểm phù hợp.

Cải cách chính sách thuế bất động sản, còn nhiều bất cập

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua nhận được một số ý kiến của dư luận về việc đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất ở thời điểm này chưa phù hợp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời điểm và cách thức đánh thuế để tránh gây sốc, dẫn đến việc bán tháo ồ ạt trên thị trường.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho hay, pháp luật hiện hành quy định bất động sản bao gồm: Đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sở hữu và sử dụng bất động sản, Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong quá trình xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ); sử dụng bất động sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam chưa có khoản thu đối với nhà trong quá trình sử dụng và chuyển nhượng bất động sản thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT).

IMG20221011154220
Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản; trong đó có trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.

Bộ Tài chính nêu rõ, để thể chế hóa các chủ trương, định hướng được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII liên quan đến quản lý và sử dụng đất thì cần phải có giải pháp phù hợp, đồng bộ với điều kiện và bối cảnh, trong đó có việc nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng.

Cùng đó, nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Các giải pháp này góp phần thúc đẩy việc sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả; góp phần hạn chế đầu cơ về nhà, đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, ổn định và bền vững.

Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ cũng đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản; trong đó, có trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng để báo cáo các cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp.

Việc thực hiện cải cách các chính sách thuế liên quan đến bất động sản sẽ được đặt trong tổng thể việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với chính sách thuế TNCN, ngày 22/11/2024, Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNCN mới để thay thế cho Luật thuế TNCN hiện hành, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, nghiên cứu ý kiến tham gia cũng như tiến hành rà soát, đánh giá Luật thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế.

Đánh thuế mua bán nhà đất theo thời gian nắm giữ: Có hạn chế được đầu cơ?

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu. Đó là một trong những nội dung khá mới tại tờ trình của Bộ Tài chính về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN thay thế. Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu áp dụng thu thuế TNCN đối với lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ…

Bộ Tài chính dẫn chứng như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán; sau 2 năm thì mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%. Hay tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%; thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%; trong 5 -10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.

“Để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước”, Bộ Tài chính cho biết.

Theo các chuyên gia, đề xuất này nếu được thông qua có thể tạo động lực để cá nhân giữ bất động sản lâu dài, thay vì đầu cơ ngắn hạn trục lợi. Điều này góp phần ổn định thị trường địa ốc, giảm nguy cơ “bong bóng” và đảm bảo nguồn cung nhà ở bền vững. Bên cạnh đó, có thể tăng nguồn thu thuế từ các giao dịch ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản sôi động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế thu nhập cá nhân từ mua bán nhà đất theo thời gian sở hữu sẽ là giải pháp ngăn đầu cơ, giúp điều tiết thị trường bất động sản, từ đó khiến giá nhà bình ổn hơn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM...

Ngoài ra, theo ông Đính, hiện tượng đầu cơ găm hàng trước tình hình nguồn cung khan hiếm để chờ tăng giá nhằm kiếm lợi nhuận cao đang rất phổ biến. Do đó, việc đánh thuế bất động sản là điều hợp lý.

Trong khi đó, theo ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, giá một chung cư hiện nay lên tới 60 - 70 triệu đồng/m2, quá cao so với thu nhập của nhiều người. Trong khi nhiều người mua nhà không phải để ở mà với mục đích cho thuê nên không thể gọi là đầu cơ. Rõ ràng, việc đánh thuế đối với bất động sản thứ hai hay theo thời gian nắm giữ đều không phải là giải pháp tốt cho thị trường hiện nay.

Theo ông Nghĩa, khi áp dụng thuế cần tính thuế thu được có bù đắp được chi phí hay không. Nếu muốn ngăn chặn đầu cơ phải thêm nhiều công vụ và chi phí khác nữa để đảm bảo công bằng cho người dân, dẫn đến chi phí cho việc đánh thuế cao hơn thu thuế.

Sớm đề xuất mức thuế cao hơn với người nhiều bất động sản, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang

Quốc hội thông qua Nghị quyết 161/2024/QH15 ngày 23/11/2024 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Quy định này phải bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Mặt khác, Quốc hội giao Chính phủ rà soát cơ chế, chính sách bảo đảm quyền tiếp cận các nguồn lực để triển khai thực hiện dự án bất động sản; tạo điều kiện cho vay đối với các dự án bất động sản đầy đủ pháp lý, có hiệu quả, đã hoàn thành thủ tục và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, chủ đầu tư năng lực yếu kém, không có khả năng hoàn thành, hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý và rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án; thực hiện nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; khắc phục tình trạng Bộ, ngành hướng dẫn, trả lời chung chung, thiếu cụ thể.

Trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc thi hành pháp luật, cần kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải thích pháp luật theo quy định. Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc tại cơ quan, đơn vị, không để kéo dài thời gian, tồn đọng công việc…

Cùng chuyên mục