Chính thức cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025, cá nhân, tổ chức nên biết để tránh vi phạm bị xử lý hình sự
Khi thuốc lá điện tử bị cấm từ năm 2025, người sản xuất, kinh doanh, sử dụng mặt hàng này có thể chịu xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ 2025, cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Nghị quyết 173/2024/QH15 nêu rõ, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Như vậy, từ năm 2025, thuốc lá điện tử sẽ được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Do đó, người sản xuất, kinh doanh, sử dụng mặt hàng này có thể bị xử phạt.
Trong một diễn biến liên quan, trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh quan điểm cần cấm thuốc lá điện tử do những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí rằng việc bổ sung quy định cấm và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán trái phép là cần thiết.
Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thế hệ mới, hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch chứa nicotine hoặc các hương liệu hòa tan trong propylene glycol hoặc glycerine. Ít nhất 60 hợp chất hóa học được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và nhiều chất độc hại khác xuất hiện trong khí/khói mà sản phẩm này tạo ra.
Theo Bộ Y tế, mặc dù không chứa nguyên liệu thuốc lá truyền thống, chúng vẫn gây nghiện do hàm lượng nicotine cao, đồng thời gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, hô hấp, tổn thương phổi cấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Buôn bán thuốc lá điện tử từ 2025 bị xử phạt thế nào?
Như đã nêu ở trên, từ năm 2025, thuốc lá điện tử sẽ được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Theo khoản 5, Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định: "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam. Chiếu theo quy định này, hàng cấm là những mặt hàng bị Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Từ năm 2025, danh mục này sẽ bao gồm cả thuốc lá điện tử.
Đối với hình thức xử phạt, người thực hiện hành vi buôn bán hàng cấm nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
Theo đó, tùy vào hành vi vi phạm, mức độ khác nhau, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 – 100 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm còn chịu các hình phạt khác như hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3 - 6 tháng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức có hành vi vi phạm thì phạt tiền gấp hai lần cá nhân (theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).
Mặt khác, người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể, tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b, khoản 40, Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định tội sản xuất buôn bán hàng cấm. Theo đó, người nào có hành vi buôn bán hàng cấm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội sản xuất buôn bán hàng cấm. Người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 15 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Trường hợp pháp nhân phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì bị phạt tiền từ 1 - 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đối với pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Học sinh cấp 2 có được hút thuốc lá điện tử ở trường học hay không?
Theo quy định tại Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá…
Đồng thời, căn cứ theo Điều 11 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Tiếp đó, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Như vậy, học sinh cấp 2 người chưa đủ 18 tuổi không được sử dụng, mua, bán thuốc lá, không được phép hút thuốc lá điện tử ở mọi nơi, đặc biệt là trường học.
Về xử phạt hành chính, tại khoản 1, Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định, người sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
- Các cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép hoành hành như thế nào?
- Hiểm họa ma túy 'núp bóng' thực phẩm, thuốc lá điện tử nhắm đến giới trẻ
- 'Ma trận' quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Quản lý thế nào?
- Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trái phép, thẩm mỹ Jongwon dính phạt nặng, đình chỉ hoạt động, chế tài quy định cụ thể ra sao?
- 4 hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, quy định cụ thể thế nào?
- 6 điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024, tổ chức, cá nhân cần lưu ý