Thứ ba, 11/07/2023, 11:21 (GMT+7)

Cách làm giấm chuối trong vắt đơn giản, cực an toàn

P.V (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Bạn đang tìm cách làm giấm chuối tại nhà để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cả gia đình? Giấm chuối có vị chua dịu nhẹ là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon với công dụng tốt cho sức khỏe. Thay vì mua giấm ngoài chợ về để nấu bạn có thể tự tay làm món giấm chuối đơn giản sau khi theo dõi bài viết dưới đây.

Nguyên liệu làm giấm chuối 

Cách làm giấm chuối không cần dùng hóa chất như cách làm công nghiệp, bạn chỉ cần sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, dễ tìm để làm ra sản phẩm an toàn. Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu cụ thể sau:

  • Chuối tiêu chín: 3 quả

  • Rượu gạo 30-35 độ: 1/2 chén

  • Đường: 2 thìa

  • Nước sôi để nguội: 1 lít

  • Nước dừa: 1 trái

Chuẩn bị lọ thủy tinh và vải xô để tiến hành làm.

cach-lam-giam-chuoi-01
Nguyên liệu làm giấm chuối 

Cách làm giấm chuối trong vắt, an toàn cho sức khỏe 

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách làm giấm chuối an toàn, trong vắt vừa ngon vừa đảm bảo an toàn. Để làm được món giấm chuối này, bạn cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Tạo giấm cái

Bước đầu tiên trong cách làm giấm chuối này là tạo giấm cái, bạn bóc sạch vỏ chuối. Quả chuối sau khi bóc bạn có thể để nguyên cả quả hoặc cắt làm đôi để dễ cho vào hũ hơn. 

Bạn chuẩn bị hũ sạch, sau đó cho nước dừa tươi và chuối đã bóc vỏ vào hũ. Tiếp theo bạn cho thêm nước sôi (đến khi bằng 8/10 hũ).

Bạn đậy nắp và để hũ giấm ở nơi thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp. Hũ nên được để yên một chỗ và hạn chế xê dịch để lên men giấm được tốt nhất.

Sau khoảng 45-60 ngày sau (tùy theo tình hình thời tiết mà số ngày có thể thay đổi), trên mặt hũ giấm sẽ có 1 lớp váng màu trắng đục. Phần này được gọi là con giấm. 

Khi bạn để càng lâu, con giấm sẽ càng dày lên và nhìn giống như 1 con sứa. Khi để lâu đi cùng với đó độ chua của giấm cũng tăng lên, bạn cần nếm thử để xác định độ chua phù hợp. 

Tiếp đến bạn chiết giấm ra nhẹ nhàng để con giấm không bị vỡ. 

cach-lam-giam-chuoi-05

Bước 2: Nuôi giấm

Bạn để nguyên xác chuối ở trong hũ khi đã chiết hết nước giấm ra. 

Tiếp theo, bạn pha nước đường theo công thức 1 chén đường + 6 chén nước lọc. Khuấy đều cho đường hòa tan. Sau đó bạn đổ nước đường vào hũ giấm ban đầu với tỉ lệ ở mức 8/10 hũ.

Thời gian chua khi cho nước đường vào sẽ nhanh hơn ban đầu vì đã có con giấm cũ và sẽ hình thành thêm con giấm khác. Lưu ý bạn vẫn cần để hũ giấm ở nơi thông thoáng và không có ánh nắng trực tiếp chiếu vào.

Sau đó giấm chua bạn tiếp tục chiết ra rồi cho nước đường như công thức phía trên.

cach-lam-giam-chuoi-03
Nuôi giấm chuối

Bước 3: Gây hũ giấm mới

Sau khi bạn chiết giấm và ngâm nước đường, con giấm mới sẽ hình thành tạo nên lớp con giấm dày. Khi con giấm quá dày bạn nên ngâm hũ giấm mới. Bạn vớt con giấm nhẹ tay rồi cho qua 1 hũ thủy tinh khác. Tiếp đến bạn thêm nước đường pha theo tỉ lệ 1:6 như ban đầu.

Bước 4: Lọc lấy thành phẩm giấm

Khi chiết giấm ra bạn có thể sử dụng để nấu nướng ngay, nhưng để giấm ngon hơn, bạn nên cho giấm qua tấm vải thưa hay 1 rây lọc và lọc lại. 

Mẹo nhỏ: Để sử dụng giấm được lâu, bạn có thể đem giấm đi đun sôi sau đó để nguội, bảo quản ở chai/lọ thủy tinh. Đun sôi sẽ hạn chế quá trình lên men của giấm, giữ được độ chua phù hợp. Khi không đun sôi giấm để lâu sẽ tiếp tục hình thành con giấm và chua hơn.

Thành phẩm

Giấm chuối làm tại nhà sẽ có màu trắng trong và hơi đục. Bạn có thể bảo quản và sử dụng giấm làm gia vị cho nhiều món ăn khác nhau. 

cach-lam-giam-chuoi-04
Thành phẩm giấm chuối

Lưu ý để làm giấm chuối thành công 

Để có được bình giấm chuối thơm ngon, bạn cần nắm được một số mẹo trong cách làm giấm chuối dưới đây:

  • Khi bạn muốn gây bình giấm mới hãy nhẹ nhàng vớt con giấm qua hũ khác. Lọc nước giấm qua rây lọc. Sau đó bạn lấy nước giấm đã lọc cho vào nồi bắc lên bếp và đun sôi.

  • Giấm chuối để lâu sẽ xuất hiện màu váng trắng đục. Giấm để càng lâu độ chua sẽ càng tăng và con giấm mới được hình thành. Khi để giấm trong thời gian dài, đây là hiện tượng bình thường. 

  • Chuối để làm giấm bạn nên chọn chuối sứ có độ chín vừa phải. Với những quả chuối xanh hay chuối chín kỹ có thể làm giấm chuối có mùi khó chịu, khó ăn. 

  • Nên đậy nắp hũ giấm bằng vải xô mỏng để con giấm có đủ oxy từ không khí trong quá trình lên men. Nên xếp chồng nhiều lớp vải lên và cột chặt cố định vào miệng hũ. 

  • Nếu con giấm có sẵn trước đó, bạn sẽ được thu hoạch giấm nhanh hơn

  • Khi làm giấm chuối bạn nên cho chút dứa vào để tạo màu vàng sáng và mùi thơm dễ chịu hơn.

cach-lam-giam-chuoi-06
Chuối có độ chín vừa phải

Cách bảo quản giấm chuối tốt nhất

Bảo quản giấm chuối là khâu quan trọng trong cách làm giấm chuối, để giấm vẫn giữ được vị ngon nguyên bản, bình giấm để được lâu. 

  • Nên đặt hũ giấm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nguồn ánh nắng trực tiếp chiếu vào (hạn chế sự biến đổi chất của giấm)

  • Trong quá trình lên men bạn hạn chế xê dịch, di chuyển hũ giấm để quá trình này hoạt động hiệu quả nhất.

  • Theo dân gian, chị em phụ nữ không nên chạm hay mở nắp hũ giấm trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có khả năng sẽ làm hỏng thành phẩm. Bạn nên lưu ý điều này dù quan niệm này không có cơ sở khoa học chứng minh.

cach-lam-giam-chuoi-07
Nên đặt hũ giấm ở nơi khô ráo, thoáng mát

Trên đây, Tiếp thị và Gia đình vừa chia sẻ đến bạn cách làm giấm chuối đơn giản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhà. Giờ đây bạn sẽ không còn phải lo lắng về sản phẩm không đảm bảo trên thị trường chỉ với những nguyên liệu và cách làm giấm chuối đơn giản. Chúc bạn sẽ thành công với món giấm chuối để không phải mua ngoài hàng và nấu thêm nhiều món ăn bổ dưỡng cho cả gia đình!

Bài viết này thuộc series Công thức nấu ăn

Cập nhật thường xuyên những công thức nấu ăn để bữa ăn gia đình có thêm nhiều lựa chọn.

Xem thêm
Cùng chuyên mục