Thứ ba, 30/04/2024, 10:22 (GMT+7)

BIDV báo lãi quý 1/2024 gần 6.000 tỷ đồng, số dư nợ xấu tăng vọt lên mức 27.000 tỷ đồng

Thiên Kim (Theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam)

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HOSE: BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024. Đây là ngân hàng lãi cao thứ 3 trong quý 1 tính đến thời điểm hiện tại, xếp sau Vietcombank và Techcombank.

BIDV ghi nhận lợi trước thuế đạt 7.390 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này là 5.916 tỷ đồng, tăng 6,4%. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng này giảm 2,8% khi cả chi phí và thu nhập lãi đều đi xuống so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi của BIDV lại ghi nhận mức tăng trưởng gần 9%, mang về 3.630 tỷ đồng nhờ hoạt động dịch vụ, ngoại hối và chứng khoán kinh doanh tích cực.

bidv 1

Trong đó, lãi thuần chứng khoán kinh doanh đạt 1.465 tỷ đồng, gấp hơn hai lần cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ tăng 11,6%, mang về 1.693 tỷ đồng. Nhà băng này không thuyết minh chi tiết cho hai khoản mục trên. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 167 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động chứng khoán đầu tư, hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đều đi xuống hoặc lỗ nặng hơn so với quý 1 năm ngoái. Trong đó, chứng khoán đầu tư lỗ gần 300 tỷ đồng, lãi từ hoạt động kinh doanh khác giảm gần 50%, đạt 500 tỷ đồng còn góp vốn, mua cổ phần giảm 13% xuống 96 tỷ đồng. Theo thuyết minh, trong quý I/2024, ngân hàng BIDV đã chi 291 tỷ đồng để dự phòng chứng khoán đầu tư.

Cũng trong quý này, tổng thu nhập hoạt động của BIDV giảm gần 1%, cộng với việc chi phí hoạt động tăng gần 12% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 5,4%, xuống 11.778 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của nhà băng đi lên chủ yếu do tăng chi cho nhân viên. Tuy nhiên, nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro thêm 20,6% mà BIDV vẫn có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 7%.

Tổng tài sản của ngân hàng đạt 2,33 triệu tỷ đồng vào cuối quý 1, tăng 1,2% so với đầu năm. Cho vay khách hàng nhích thêm gần 1%, đạt số dư 1,79 triệu tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cũng tăng thêm gần 2%.

Về chất lượng tín dụng, số dư nợ xấu của ngân hàng này tăng 20,7% lên mức 27.000 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã tăng 0,25 điểm % lên mức 1,51% còn tỷ lệ bao phủ xuống còn 153%, giảm 28 điểm %. Tiền gửi khách hàng tăng 1,8% so với đầu năm, đạt 1,73 triệu tỷ đồng.

bidv 2

Năm 2024, BIDV đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu dư nợ tín dụng dự kiến tăng 14,04%. Từ con số trên, có thể ước tính dư nợ tín dụng của BIDV có thể đạt 1.993 tỷ đồng vào cuối năm 2024, tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng.

BIDV lên kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2024 theo hai cấu phần: Tăng vốn từ chi trả cổ tức năm 2022 và tăng vốn từ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Tổng số cổ phiếu phát hành thêm là 1,36 tỷ, giúp vốn điều lệ tăng thêm gần 13.620 tỷ đồng lên mức 70.624 tỷ đồng.

Cụ thể, về phương án trả cổ tức 2022, ngân hàng này sẽ phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 21% số cổ phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 - 2025. HĐQT sẽ quyết định thời gian cụ thể sau khi có được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi chia cổ tức năm 2022, lợi nhuận còn lại của nhà băng sẽ là 142 tỷ đồng.

Về phương án phát hành riêng lẻ, ngân hàng BIDV dự kiến sẽ chào bán 164,9 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,89%. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính hoặc cổ đông hiện hữu của ngân hàng. Số lượng nhà đầu tư được chào bán là dưới 100, đồng thời đảm bảo giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.

Giá chào bán sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường, được cơ quan nhà nước phê duyệt. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế giao dịch trong 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian dự kiến thực hiện chào bán sẽ là trong năm 2024 - 2025.

Cùng chuyên mục