Thứ hai, 26/12/2022, 06:00 (GMT+7)

Bánh chưng gù: Đặc sản nức tiếng vùng cao

Nguyễn Thị Yến Nhi (t/h)

Bánh chưng gù là một loại đặc sản mang đậm nét Tây Bắc. Cùng Món ngon tìm hiểu ý nghĩa và cách làm món ăn độc đáo này nhé.

Nguồn gốc, đặc điểm và ý nghĩa của bánh chưng gù

1. Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng gù

Hà Giang – một vùng đất “đá cũng nở hoa” không chỉ nổi tiếng bởi sự hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, hay sự nên thơ đậm chất Tây Bắc của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Hà Giang còn là nơi được biết đến có một loại bánh chưng đặc biệt – Bánh chưng gù.

hà giangg
Hà Giang

Hà Giang là nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Dao, Nùng. Với địa hình 3/4 là núi đá, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống cư dân nơi đây rất vất vả. Đến Hà Giang bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đeo gùi trên lưng vượt đèo, lội suối, làm nương rẫy, lưng gù xuống để làm việc, địu nặng lúa, ngô trên vai. Chính vì vậy, người Dao Đỏ đã lấy hình tượng đó để đặt tên cho chiếc bánh chưng gù của đồng bào mình với ý nghĩa ca ngợi sự chăm chỉ của con người nơi đây và đặc biệt chính là người phụ nữ.

Hình ảnh người phụ nữ đeo gùi
Ảnh minh họa

Ở các tỉnh vùng núi phía bắc, người Tày, Nùng, Mông, Dao đều có bánh chưng gù, chỉ có gia vị là khác nhau. Nhưng bánh chưng gù dù mang màu sắc nào, trộn với những loại gia vị nào, cũng đều mang ý nghĩa ngoài là sản vật của đất trời, thành quả của một năm lao động, còn là sự tôn vinh và ghi nhớ công sức của người phụ nữ trong gia đình, người đã gồng gánh cả gia đình trong suốt  năm qua. Đó là ý nghĩa tốt đẹp và chung nhất của chiếc bánh chưng gù.

2. Đặc điểm của bánh chưng gù

Vì tượng trưng cho hình ảnh những người phụ nữa đeo gùi trên lưng, ngoại hình của chiếc bánh này cũng rất đặc biệt, mô phỏng như tấm lưng gù của người phụ nữ đeo gùi.

bánh chưng gù
Bánh chưng gù
  • Bánh chưng gù có kích thước khá nhỏ, vừa đủ cầm. Điều này giúp cho người dân ở đây thuận tiện bỏ túi và đem đi rừng hoặc làm rẫy.
  • Bánh rất dẻo, mềm, thơm và mang màu xanh đặc trưng của nước lá dong riềng.
  • Bánh có hình dạng “lưng gù”, khác với loại bánh truyền thống.
  • Bánh được gói bằng một lớp lá do vậy việc bóc bánh khá dễ dàng.
  • Mặc dù phần nhân bánh cũng được chế biến đầy đủ như bánh chưng truyền thống, nhưng nó không quá nhiều nên khi ăn bạn sẽ không cảm thấy bị ngán.

Cách làm bánh chưng gù:

1. Các nguyên liệu làm bánh chưng gù

Gạo nếp

Thịt ba chỉ

Đậu xanh

Lá riềng

Lá dong gói bánh

Gia vị: mắm, muối, tiêu...

Lạt buộc bánh

nguyên liệu bánh chưng gù
Ảnh minh họa

2. Lưu ý khi chọn nguyên liệu làm bánh chưng gù:

  • Gạo: để gói bánh chưng bạn chọn nếp cái hoa vàng hay nếp bắc đều được. Gạo nếp ngon thường có hạt tròn mập, ngắn, màu trắng ngần. Khi cắn có vị ngọt nhẹ, có mùi thơm đặc trưng.
  • Thịt ba chỉ:  Bạn nên chọn thịt ba chỉ có phần thịt và mỡ dính chặt vào nhau, khi cầm lên không cảm thấy quá lỏng lẻo. Lớp da và mỡ ngoài cùng dày vừa phải khoảng từ 1,5 - 2cm. Bạn nên chọn miếng thịt có phần mỡ nhiều hơn phần nạc một chút để khi ăn sẽ đỡ bị khô.
  • Đậu xanh: Chọn loại đậu màu vàng tươi, hạt nhỏ sẽ thơm và ngon hơn. Tránh chọn những hạt đậu có nốt đen, xỉn màu, các hạt to nhỏ không đều nhau. 
  • Lá dong: nên chọn lựa những lá không quá già cũng không quá non - hay còn gọi là lá dong bánh tẻ, loại lá này giúp việc gói bánh trở nên dễ dàng hơn; chọn lá có màu sắc xanh đậm, phiến lá to vừa phải để có thể gói trọn được phần nhân bên trong.

3. Các bước làm bánh chưng gù

BƯỚC 1. Sơ chế nguyên liệu:

1. Gạo nếp và đậu xanh sau khi mua về nên được vo sạch tầm 2-3 lần. Sau đó bạn đem ngâm với nước tầm 3-5 tiếng.

2. Lá riềng rửa sạch sau đó cắt nhỏ, cho vào máy xay chắt lấy nước làm màu bánh.

3. Thịt rửa sạch với nước muối. Sau đó để ráo rồi cắt thành miếng vừa phải. Thịt lợn sau khi thái lát, ướp với nước mắm, muối, tiêu cho ngấm khoảng 2 tiếng.

4. Lá dong rửa sạch, lau khô rồi rọc bớt phần sống lá cứng, dày phía sau. Dây lạt rửa sạch và ngâm mềm trong nước ấm khoảng 10 phút.

BƯỚC 2. Trộn màu nếp:

1. Nước lá riềng sau khi đã được chắt, bạn đem trộn cùng với gạo nếp. Trộn đều tay để gạo được thấm đều màu. Để yên trong tầm 8-10p cho gạo được ngấm màu đẹp nhất.

2. Đậu xanh sau khi được ngâm, bạn đem trộn cùng chút muối cho đậm đà.

gói bánh chưng gù
Ảnh minh họa

BƯỚC 3. Gói bánh:

1. Bạn lật mặt sau của 2 chiếc lá dong nguyên vẹn rồi xếp tráo đầu đuôi và chồng lên nhau. Tiếp đến, bạn cho gạo nếp vào giữa phần lá và cho thêm ½ muỗng đậu xanh, 1 miếng thịt ba chỉ lên trên phần nếp. Sau đó, bạn tiếp tục cho thêm ½ muỗng đậu xanh lên phần thịt và cuối cùng là gạo nếp. Cho gạo nếp dải đều lên chiếc lá dong, cho thêm đỗ và thịt ba chỉ tùy theo kích thước của bánh.

2. Khi đã cho nếp và nhân đầy đủ thì bạn túm hai bên mép lá lại rồi xếp chặt tay, tiếp đến bạn túm phần đầu lá dong và vuốt dẹp để có định hình được phần nhân bên trong. Sau đó, bạn dựng bánh lên rồi vỗ đều để nhân được nén xuống và bạn thực hiện giống vậy với phần đầu còn lại. Bánh gù phần giữa và dẹt 2 đầu là đạt chuẩn.

3. Sau khi đã định hình lá thì bạn dùng lạt buộc cố định để định hình bánh.

bánh chưng gù sau khi gói
Ảnh minh họa

BƯỚC 4. Luộc bánh:

1. Xếp dưới đáy nồi lá hoặc sống lá để bánh không bị cháy

2. Xếp bánh và đổ nước ngập bánh. Nấu với lửa nhỏ tầm 3-4 tiếng là bánh chín

3. Khi nồi cạn châm thêm nước sôi để bánh chín đều, không được cho nước lạnh dễ bị hỏng bánh.

luộc bánh chưng gù
Ảnh minh họa

BƯỚC 5. Thành phẩm:

Chiếc bánh mềm, dẻo, vỏ ngoài mang màu xanh đặc trưng và mùi thơm của lá riềng. Bạn có thể thưởng thức kèm cùng dưa muối để tăng phần ngon nha.

nh bánh chưng gù
Ảnh minh họa

Mẹo bảo quản bánh chưng gù được lâu

Bánh chưng gù tuy ngon nhưng lại là một món ăn khó bảo quản. Vì bánh nhỏ gọn, để giữ hình dáng lưng gù nên không cần phải nén chặt, do đó phần nếp khá tơi và dính. Bánh thường được sử dụng trong ngày.

Để bảo quản bánh được lâu và có thể đem đi xa, sau khi luộc xong bạn nên để bánh thật ráo nước.

xếp ráo bánh chưng gù
Bánh chưng gù được xếp ráo nước

Bánh chưa sử dụng nên để ở nơi thoáng mát tránh bụi bẩn hay vi khuẩn nấm mốc.

Bạn cũng có thể đem bánh cất ở ngăn đông tủ lạnh, khi nào ăn có thể giã đông hoặc chiên rán.

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm
Cùng chuyên mục