Ai nên là người tay hòm chìa khoá, quán xuyến chi tiêu trong gia đình?
Người Việt thường cho rằng phụ nữ nên là người “tay hòm chìa khóa”, quán xuyến chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên ngày nay, quan niệm đó đã phần nào thay đổi.
Quản lý tài chính là một trong những đề tài quen thuộc, thường được nhắc đến đầu tiên trong các cuộc hôn nhân và thậm chí là nguồn cơn của nhiều căng thẳng nảy sinh trong quá trình chung sống. Bởi thế, câu hỏi: “Vợ và chồng, ai nên là người giữ tiền?”, sẽ luôn là chủ đề "đau đầu" của không ít gia đình.
Chị Thu Trang (ở Đống Đa, Hà Nội) quả quyết: “Tiền nong chi tiêu trong nhà đều phải tập trung do mình quản lý hết. Chứ để cho các ông chồng tiêu xài hoang phí thì có mà cả nhà… treo niêu”.
Theo Thu Trang, mỗi tháng sau khi chồng chuyển khoản tiền lương, Trang sẽ đưa lại 2 triệu để chồng cà phê, xăng xe. Còn lại mọi khoản ăn uống, điện nước, mua sắm trong gia đình Trang đều chủ động nắm giữ và lên kế hoạch chi tiêu.
Thực tế, kiểu quản lý tài chính tập trung về một mối như gia đình Thu Trang là hình thức điển hình thường thấy tại nhiều gia đình Việt. Trong đó, người vợ hoặc chồng sẽ giữ toàn bộ thu nhập và phụ trách chi tiêu. Điểm mạnh của phương pháp này là tiền lương được kiểm soát và dễ quản lý các khoản thu – chi.
Tuy nhiên, cách làm này cũng dễ dẫn đến gánh nặng tài chính đè nặng lên một trong hai vợ chồng. Người còn lại dễ trở nên bàng quan với những trách nhiệm chung, thiếu sự cảm thông chia sẻ và có thể dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng khác làm hôn nhân tan vỡ.
Một gia đình hạnh phúc hơn khi xử lý hài hoà câu chuyện tài chính, thu nhập
Để mỗi người có trách nhiệm hơn, gần đây nhiều gia đình trẻ chọn cách tự quản lý tiền bạc của bản thân và đóng góp cho các khoản chi tiêu chung. Quan niệm phụ nữ sau khi lập gia đình ở nhà làm nội trợ và “giữ tay hòm chìa khóa” đang dần được thay đổi khi các khoản chi phí hàng tháng đều chia đôi rất sòng phẳng, không ai phụ thuộc vào ai.
Theo phân tích của các chuyên gia, điểm yếu của phương pháp này là sự thiếu gắn kết. Nếu gia đình có những mục tiêu lớn cần thực hiện (như trả nợ, tiết kiệm mua nhà, đầu tư quỹ hưu trí…) thì rất khó có thể làm được một cách hiệu quả, thiếu đi cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính và sự đồng lòng của cả hai vợ chồng.
“Sau thời gian thống nhất phân chia 50/50 sinh hoạt phí, mình cảm thấy giữa mối liên kết giữa hai vợ chồng dần mờ nhạt đi. Chưa kể nhiều vấn đề như chăm sóc, nuôi dạy con cái không thể lúc nào cũng sòng phẳng và gây ra áp lực vì mình có thu nhập thấp hơn chồng”, chị Hướng Dương (ở Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Một giải pháp dung hòa khác khá phổ biến là hai vợ chồng hợp hai khoản tiền lương lại, cùng nhau quản lý. Thu nhập chung sẽ được thống nhất và phân chia cho sinh hoạt phí gia đình, khoản tiết kiệm – đầu tư chung và cả khoản tiêu riêng cho mỗi người. Nhờ đó, vợ chồng có tiếng nói chung, phấn đấu vì mục đích chung, mà vẫn duy trì được sự tự do nhất định.
Tờ The Japan Times của Nhật Bản cũng từng đưa ra con số thống kê có đến khoảng 30% các cuộc hôn nhân tại nước này mà cả hai vợ chồng cùng quản lí tài chính gia đình.
Trả lời cho câu hỏi: “Vợ hay chồng nên giữ tiền?”, Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng: “Tiền là tài sản chung cho cả nhà chi tiêu mọi hoạt động chung, cho nên vợ chồng cùng kiếm tiền, ai có khả năng quản lý tài chính và biết vun vén thì người ấy giữ”.
Bà Thúy cũng nhấn mạnh việc không quan trọng ai là người giữ tiền mà vấn đề mỗi gia đình cần quan tâm là khả năng quản lý, biết phân bổ chi phí hợp lý để tài chính gia đình luôn ổn định, vững vàng.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, hạnh phúc trong hôn nhân tỷ lệ thuận với lượng tiền lương vợ/chồng đóng góp cho tổ ấm. Càng đóng góp nhiều tiền vào quỹ chung của gia đình thì hôn nhân của bạn càng hạnh phúc.
Do đó, với mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau có thể sẽ có những cách phân chia vai trò khác nhau. Điều cốt yếu là hai bên thường xuyên đối thoại, thấu hiểu để thống nhất rõ ràng các quy tắc về chi tiêu trong gia đình cũng như lên được kế hoạch tài chính chi tiết, có mục tiêu tài chính cụ thể nếu cần.