10 luật chính thức có hiệu lực từ 1/7, hàng triệu người dân cần nắm rõ
Từ 1/7, hàng loạt quy định và điều luật quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực, mọi người dân cần nắm rõ để biết cách thực hiện đúng.
Theo An ninh Thủ đô, 10 luật sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7. Cụ thể là những điều dưới đây:
Luật Căn cước 2023
Gồm 7 Chương, 46 Điều quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Trong đó, không bắt buộc đổi từ thẻ CCCD còn hạn sử dụng sang thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024, cụ thể:
Căn cứ tại Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định về chuyển tiếp nêu rõ: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2024) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.
Như vậy, thẻ căn cước có giá trị tương đương như thẻ CCCD.
Các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.
Những trường hợp phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước gồm: Công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước, thẻ CCCD; công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng.
Trường hợp công dân dưới 14 tuổi, công dân có thẻ CCCD còn thời hạn sử dụng được cấp thẻ căn cước khi công dân đó có nhu cầu.
Thẻ CCCD được cấp trước ngày 1/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023
Gồm 5 Chương, 33 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Khoản 2, Điều 2 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023).
Chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ được quy định như sau:
- Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
- Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.
- Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà qua đời trong lúc làm nhiệm vụ sẽ được xem xét hưởng các chế độ của thương binh, liệt sỹ, người thân của người chết sẽ được nhận các khoản trợ cấp xã hội.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024
Gồm 15 Chương, 210 Điều quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có nội dung đáng chú ý như: Xử lý nợ xấu và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.
Cụ thể:
Tại Điều 199 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc xử lý nợ xấu và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu như sau:
- Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia theo thứ tự ưu tiên:
+ Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;
+ Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;
+ Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;
+ Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;
+ Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;
+ Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023
Gồm 7 Chương, 80 Điều, quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng;
Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó, Luật bổ sung một số hành vi bị cấm, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:
- Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
- Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Giá 2023
Gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.
Điều 17 Luật Giá 2023 quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:
- Tiêu chí thực hiện bình ổn giá:
+ Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
+ Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
- Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Giá 2023 bao gồm:
+ Xăng, dầu thành phẩm.
+ Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
+ Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.
+ Thóc tẻ, gạo tẻ.
+ Phân đạm; phân DAP; phân NPK.
+ Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
+ Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
+ Thuốc bảo vệ thực vật.
+ Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
(Trước đó Luật Giá 2023 đã bổ sung thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào danh mục bình ổn giá; loại bỏ mặt hàng điện, muối ăn, Đường ăn, đường trắng và đường tinh luyện ra khỏi danh mục bình ổn giá).
- Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Phòng thủ dân sự 2023
Gồm 7 Chương, 55 Điều quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
Trong đó:
Phòng thủ dân sự cấp độ 1: được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã.
Biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1:
- Sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm;
- Bảo đảm phương tiện, trang bị bảo vệ cá nhân, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người trong khu vực xảy ra sự cố, thảm họa;
- Cấm, hạn chế người, phương tiện vào những khu vực nguy hiểm;
- Phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sự cố, thảm họa;
- Tiêu tẩy, khử độc, khử khuẩn, vệ sinh môi trường;
- Bảo vệ công trình phòng thủ dân sự.
Chủ tịch UBND cấp huyện là người quyết định áp dụng biện pháp phòng thủ dân sự tại cấp độ 1.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Hợp tác xã 2023
Gồm 12 Chương, 115 Điều quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Giao dịch điện tử 2023
Gồm 8 Chương, 53 Điều quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Song, Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định.
Trong đó, theo Điều 6, chương I nêu rõ 08 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử gồm:
i) Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
ii) Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
iii) Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
iv) Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.
v) Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
vi) Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.
vii) Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.
viii) Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Viễn thông 2023
Gồm 10 Chương, 73 Điều quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.
Trong đó, quy định trường hợp doanh nghiệp viễn thông được từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông:
- Doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã từng vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết với doanh nghiệp viễn thông;
+ Việc cung cấp dịch vụ viễn thông là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật;
+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã bị doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp viễn thông khác về việc từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông theo hình thức trả sau do trốn tránh nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ;
+ Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp viễn thông không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết;
+ Thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông. Chính phủ quy định chi tiết Điểm này;
+ Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
Luật Tài nguyên nước 2023
Gồm 10 Chương, 86 Điều quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó, nước dưới đất dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước 2023.
Điều luật có hiệu lực từ 1/7.
- Nợ thuế dù chỉ 1 đồng cũng phải áp dụng chế tài của Luật Thuế
- Người có lương hưu thấp sẽ được tăng lên đủ 3,5 triệu đồng/tháng
- Chi tiết mẫu thẻ Căn cước mới áp dụng từ ngày 1/7/2024, người dân nhất định phải nắm rõ
- Nợ thuế dù chỉ 1 đồng cũng phải áp dụng chế tài của Luật Thuế
- Luật Quảng cáo sửa đổi: Giải quyết những bất cập trong hoạt động quảng cáo
- Luật Đất đai 2024 có hiệu lực: Doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng lợi gì?
- 5 phương pháp định giá đất tại Luật Đất Đai 2024, người dân nên biết
- Bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc: Luật quy định như thế nào?
- 4 thay đổi quan trọng trong luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), hàng triệu lao động phải nắm rõ