Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 01/01/2024, 06:02 (GMT+7)

Vì sao người Trung Quốc treo chữ “Phúc” ngược khi đón Tết?

Vào mỗi dịp Tết, người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới đều treo ngược chữ “Phúc” trong nhà.

Người Trung Quốc thích treo tranh thư pháp khi trang hoàng nhà cửa đón năm mới, trong đó, chữ “Phúc” rất được ưa chuộng. Chữ “Phúc” thuộc bộ ba Phúc - Lộc - Thọ, mang ý nghĩa đại diện cho sự sung sướng, hạnh phúc trong cuộc sống.

Chữ “Phúc” thường được viết bằng mực vàng trên giấy đỏ, dán ở cánh cửa hay treo trong nhà để cầu phúc, hy vọng may mắn cho năm mới. Đồ trang trí dịp Tết được để lại cả năm, không gỡ bỏ cho tới trước thềm năm mới tiếp theo. Dán chữ “Phúc” là để gửi gắm ước nguyện, niềm mong mỏi của con người về cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi sáng.

nguoi-trung-quoc-don-tet-nguoi-trung-quoc-don-tet-

Tuy nhiên, du khách đến Trung Quốc sẽ thường thấy gia chủ dán ngược chữ “Phúc” trước cửa nhà. Vậy tại sao chữ “Phúc” lại được treo ngược khi đón Tết?

Theo dân gian truyền miệng, Hoàng đế thời nhà Minh (1368-1644) chiếu lệnh cho mọi gia đình phải dán chữ “Phúc” lên cửa nhà để đón Tết Âm lịch. Vào ngày đầu tiên của năm mới, Hoàng đế cử lính đến từng nhà kiểm tra và phát hiện một gia đình mù chữ đã dán ngược chữ “Phúc”.

Hoàng đế xử tội chết cho cả gia đình này, song Hoàng hậu lúc này nhanh trí giải thích rằng chữ “Phúc” treo ngược đọc là “Phúc đảo”. Đây là phép chơi chữ, trong đó, “đảo” là từ đồng âm với “đáo”. Do đó, chữ “Phúc” treo ngược trở thành “Phúc đáo”, nghĩa là Phúc đến nhà.

kienviet-mon-do-trang-tri

Lời giải hợp tình hợp ý của Hoàng hậu khiến nhà vua đổi ý, thả tự do cho gia đình trên. Từ đó, người dân Trung Quốc đều treo chữ “Phúc” ngược, vừa để đón hạnh phúc đến nhà, vừa để ghi nhớ lòng từ bi của Hoàng hậu.

Ngoài ra, người Trung Quốc còn chuộng dùng phép chơi chữ cho một số món ăn cầu may dịp Tết Nguyên đán. Ví dụ, cá là một món ăn truyền thống trong năm mới, do từ cá đồng âm với dư giả, thể hiện mong cầu năm mới sung túc.

Ngày nay, chữ “Phúc” được nhiều người hiểu là “hạnh phúc”, “phúc báo”. Trong quá khứ, chữ “Phúc” là dùng để chỉ “phúc phận” và “phúc khí”. Việc dán chữ “Phúc” trong nhà là để gửi gắm mong muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, một tương lai tốt đẹp. Nhằm thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn niềm hy vọng này, nhiều người còn dán ngược chữ “Phúc” để biểu thị ý nghĩa “Hạnh phúc đã đến”, “Vận may đã đến”.

kienviet-mon-do-trang-tri

Tuy nhiều tập tục dân gian xưa đã được loại bỏ cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng ngày Tết cổ truyền vẫn rất quan trọng với người Trung Quốc. Nhiều truyền thống cũ vẫn được người thời nay kế thừa và gìn giữ, tạo nên màu sắc ngày Tết có sự giao thoa giữa cũ và mới, mang đậm hơi thở của nhịp sống hiện đại.

Thu Hà

Cùng chuyên mục