Vì sao mưa nhiều, thủy điện miền Bắc vẫn ‘khát’
Mặc dù mưa nhiều, dài ngày, lượng nước ở các hồ thủy điện miền Bắc được cải thiện nhưng không đáng kể. Thêm vào đó, các nhà máy nhiệt điện than thường xuyên gặp sự cố nên tình trạng mất điện khó có thể thuyên giảm.
Lượng nước về hồ thủy điện chủ yếu để điều tiết nước
Ngày 13/6, nhiều nơi ở khu vực miền núi phía Bắc có mưa vừa và mưa rất to, có nơi trên 100 mm. Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), lưu lượng về các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tăng nhẹ. Lưu lượng ở một số lưu vực sông, suối nhỏ khu vực Bắc Bộ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang tăng nhanh.
Tuy nhiên, mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ, Đông Nam Bộ tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Cũng theo cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện miền Bắc vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về.
Các nhà máy khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành, rất khó để đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.
Lưu lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình thấp chỉ đạt khoảng 200 m3/s. Ảnh: EVN.
Hiện tại, vẫn còn nhiều hồ thủy điện xấp xỉ mực nước chết như: Thác Bà, Sơn La, Bản Chát, Hủa Na, Bản Vẽ, Thác Mơ. Và có 9 nhà máy thủy điện phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp: Lai Châu, Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Thác Mơ, Trung Sơn.
Do khó khăn về nguồn nước, các hồ trên mực nước chết không nhiều dẫn tới việc tiếp tục tích nước, tổng công suất không huy động được từ các hồ Lai Châu, Sơn La, Bản Chát, Tuyên Quang, Huội Quảng, Thác Bà, Bản Vẽ, Hủa Na... vào khoảng 5.000 MW.
Còn tại hồ thủy điện Hòa Bình, những ngày gần đây mặc dù các tỉnh thành miền Bắc có mưa vừa, mưa to nhưng lưu lượng nước về hồ vẫn thấp chỉ khoảng 200 m3/s. Theo Zing, sáng 13/6, mực nước tại hồ đạt 102,8m, cách mực nước chết 22,8m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 15m.
Ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình chia sẻ trên VnExpress: "Với lượng nước còn lại trong hồ, nếu khai thác liên tục tối đa, sau 13 ngày hồ sẽ về mực nước chết. Lúc đó vừa không thể phát điện, vừa không giữ được chức năng ổn định cho vận hành hệ thống".
Nhà máy nhiệt điện than thường xuyên gặp sự cố
Mặc dù những ngày qua tình hình thủy văn đã thuận lợi hơn so với trước nhưng thời tiết nắng nóng vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ điện cao nên các nhà máy thủy điện miền Bắc vẫn cần vận hành một cách linh hoạt, tăng cường tích nước ở hồ thủy điện.
Được biết, trong cơ cấu nguồn điện cung cấp cho miền Bắc thì thủy điện chiếm tỷ lệ hơn 43%. Nhưng trong thời điểm hiện tại, khi thiếu nước các nhà máy thủy điện miền Bắc đang phải phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp thì nhiệt điện than lại là nguồn cung cấp điện quan trọng nhất cho miền Bắc ngay lúc này.
Nhà máy nhiệt điện than cần sớm khắc phục sự cố - Ảnh: EVN
Tuy nhiên, một số tổ máy do phải huy động công suất lớn nên xảy ra sự cố. Trong đó, tổng sự cố dài ngày là 2.100 MW, tổng sự cố ngắn ngày 910 MW. Theo Hà Nội Mới, tổ máy số 1 của Nhiệt điện Nghi Sơn 1 ngừng hoạt động vào 1h14 hôm nay do có tiếng kêu bất thường trong ống quá nhiệt, hiện chưa xác định được tiến độ khắc phục sự cố.
Cũng trong ngày hôm nay, tổ máy S1 của Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long 1 đã khắc phục xong sự cố và đưa vào dự phòng. Tổ máy S2 của Nhiệt điện Thái Bình 1 dự kiến sẽ khắc phục xong sự cố trong ngày mai (15/6).
Thêm nữa, vì sản lượng huy động của nhà máy nhiệt điện than miền Bắc duy trì ở mức cao nhu cầu tới 6,03 triệu tấn phục vụ cho sản xuất điện nên các nhà máy nhiệt điện của EVN dự kiến trong 2 tháng tới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn than.