Thứ năm, 25/07/2024, 10:15 (GMT+7)

Giai đoạn nửa cuối năm nay, cung ứng xăng dầu ra sao?

Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm

Thông tin tại cuộc họp ngày 24/7, ông Phan Văn Chinh - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, năm 2024 tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân phân phối xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng gần 28,44 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, theo Báo Chính Phủ.

Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm nay đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. 

Trong khi đó, báo cáo từ các thương nhân phân phối xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao.

Lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm nay khoảng 13,2 triệu m3/tấn, giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tồn kho thời điểm 30/6 năm nay khoảng 1,85 triệu m3/tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023. 

Như vậy, lượng xăng dầu đáp ứng đúng theo nguồn cung được phân giao cũng như nhu cầu sử dụng trong 6 tháng đầu năm theo kế hoạch.

Theo ông Phan Văn Chinh, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 29 kỳ điều chỉnh giá. Mặt hàng xăng RON 95 có 16 lần tăng và 13 lần giảm; mặt hàng dầu diesel 14 lần tăng, 15 lần giảm; dầu mazut có 18 lần tăng và 11 lần giảm.

Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối, 8 thương nhân phân phối và đang trong quá trình thực hiện. Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.

Hình ảnh 25

18 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả Giấy phép kinh doanh

Mới đây, Công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long tại địa chỉ số 85 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật tại SN 18 Phía Nam trường Đại học Hoa Lư, xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình có đơn gửi Bộ Công Thương xin dừng hoạt động làm thương nhân phân phối do khó khăn trong kinh doanh.

Hai doanh nghiệp này trước đó được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu trong các năm 2020-2021. Tuy nhiên, do thay đổi phương thức kinh doanh, khó khăn, hai doanh nghiệp nói trên xin dừng hoạt động, trả giấy phép.

Sau đơn xin của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đồng ý thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của hai doanh nghiệp nói trên theo đúng trình tự thủ tục quy định.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 18 thương nhân đề nghị trả lại giấy phép và Bộ Công Thương đã thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận theo đề nghị của doanh nghiệp theo quy định. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định, việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh

Liên quan đến tình hình cung ứng xăng dầu từ nay đến cuối năm, Vụ Thị trường trong nước thông tin hai nhà máy sản xuất ước đạt khoảng 8,26 triệu tấn, tương đương 9,9 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ngoài ra, ước nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 4,5 triệu tấn.

Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 12,76 triệu tấn, tương đương khoảng 15,3 triệu m3/tấn. Tiêu thụ 6 tháng cuối năm nay ước khoảng 13,2 triệu m3/tấn. Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.

Theo Bộ Công Thương, các thương nhân kinh doanh xăng dầu sẽ được chỉ đạo bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch đăng ký theo từng quý. Theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp...

Đồng thời thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.

Cơ quan này cũng đề nghị các thương nhân cần thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua xăng dầu của các nhà máy lọc dầu, dự trữ lưu thông… Nếu quá trình thực hiện khó khăn, báo cáo về Bộ Công Thương để có giải pháp xử lý.

Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.

Cùng chuyên mục