Người tiêu dùng Việt tích cực mua thuốc online
(Tiepthigiadinh) - Lý do phổ biến nhất khiến người tiêu dùng quyết định mua hàng trực tuyến là tiết kiệm thời gian mua bán. Những lý do lớn khác bao gồm: linh hoạt về thời gian, thanh toán tiện lợi, tránh những phiền phức khó chịu.
Tuần trước, Cốc Cốc công bố “Báo cáo Xu hướng số của người dùng trên không gian mạng” , thống kê chi tiết về xu hướng tìm kiếm và tiêu dùng của người Việt trên nền tảng trình duyệt này.
Dựa trên những khảo sát đã thực hiện, Cốc Cốc đánh giá bức tranh tiêu dùng trực tuyến hậu đại dịch cho thấy điểm sáng trong tiêu dùng. Chỉ 10% số người được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu vào các hình thức mua sắm trực tuyến trong thời gian tới. 28% nói rằng sẽ chi tiêu nhiều hơn và 50% không chắc chắn.
Lý do phổ biến nhất, khiến 54% người dùng quyết định mua hàng trực tuyến là tiết kiệm thời gian mua bán. Những lý do lớn khác bao gồm linh hoạt về thời gian, thanh toán tiện lợi, tránh những phiền phức khó chịu. Điểm đáng chú ý là 47% người tham gia khảo sát sử dụng phương thức thanh toán hiện đại như chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng.
Cốc Cốc cũng đưa ra 4 xu hướng lớn của người tiêu dùng, trong đó có “Dịch chuyển số, mua sắm online” . Sự chuyển mình mạnh mẽ này được thể hiện cả từ phía người bán và người mua.
Ví dụ điển hình được Cốc Cốc đưa ra là các nhà thuốc đang tăng cường sự hiện diện trực tuyến, dù ngành dược nhiều năm qua vốn gắn liền với các hiệu thuốc và bệnh viện.
Theo dữ liệu của Cốc Cốc, trong số các nhà thuốc online hàng đầu tại Việt Nam, Jio Health dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lưu lượng truy cập website với 172,1%, thứ hai là Nhà thuốc Long Châu với 150,22%. Những website có tốc độ tăng trưởng mạnh tiếp theo lần lượt thuộc về Nhà thuốc Việt, Pharmacity và Nhà thuốc An Khang.
Những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trong các nhà thuốc online là “khẩu trang”, “covid test kit”, “vitamin”…
Trong xu hướng “Dịch chuyển số, mua sắm online”, Cốc Cốc chỉ ra rằng thương mại điện tử không chỉ là “cuộc chiến” giữa các app thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Mặc dù có tới 54,9% mua sắm trực tuyến qua các sàn này, vẫn có 24,4% mua qua mạng xã hội (chủ yếu là Facebook, chiếm 81%), và 20,8% mua qua cả sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Một xu hướng tiêu dùng nổi bật khác là “Thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu”. Đây là xu hướng lớn dịp Tết của đông đảo người tiêu dùng phổ thông.
65,2% số người tham gia khảo sát quan tâm đến bình ổn giá, 64,7% muốn nhiều chương trình giảm giá/khuyến mại. Ngoài ra, người tiêu dùng còn quan tâm đến yếu tố sản phẩm/dịch vụ đa dạng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, trải nghiệm mua sắm hấp dẫn.
Xu hướng tiếp theo là “Cao cấp hóa”, song song với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Điều này được thể hiện qua việc người tiêu dùng thường mạnh tay chi tiêu sắm sửa đầy đủ đồ gia dụng ngay khi sở hữu căn nhà mới, hoàn thiện nội thất. Các loại hình lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp như villa, deluxe, resort cũng ngày càng thu hút sự quan tâm trong mùa cao điểm du lịch.
Xu hướng cuối cùng được Cốc Cốc nêu ra là “Nâng cao trải nghiệm và giá trị”. Đối với những ngành hàng quan trọng như chăm sóc sắc đẹp và giáo dục, đa số người tiêu dùng đề cao trải nghiệm và giá trị hơn giá cả.