Thứ tư, 30/04/2025
logo
Xe - Số

Muốn vi vu dịp lễ 30/4 an toàn, đừng quên kiểm tra kỹ 6 bộ phận ô tô quan trọng này

Vi An Thứ tư, 30/04/2025, 08:00 (GMT+7)

Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là thời điểm lý tưởng để nhiều gia đình tranh thủ đi chơi xa, “lên đường” thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, để chuyến đi không biến thành ác mộng giữa đường, việc kiểm tra kỹ tình trạng ô tô trước khi xuất phát là điều không thể bỏ qua.

Tài chính 700 triệu đồng, nên chọn mẫu xe gầm cao nào để "vừa túi tiền" mà vẫn sang?

Giá xe Mitsubishi Pajero Sport mới nhất lăn bánh tháng 4/2025

Giá xe KIA K5 niêm yết và lăn bánh mới nhất tháng 4/2025

Kỳ  nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay kéo dài tới 5 ngày, là dịp lý tưởng để nhiều gia đình lên kế hoạch vi vu, du lịch xa. Tuy nhiên, những hành trình dài hàng trăm kilômét cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về độ ổn định và an toàn của phương tiện.

Theo các kỹ sư ô tô, dù xe còn mới hay đã qua sử dụng, chủ xe vẫn cần kiểm tra kỹ một số bộ phận trọng yếu trước khi khởi hành. Việc này không chỉ giúp đảm bảo chuyến đi diễn ra suôn sẻ mà còn giảm thiểu nguy cơ xe gặp trục trặc, thậm chí “nằm đường” giữa chừng.

Dưới đây là 6 bộ phận quan trọng bạn không nên bỏ qua trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày:

Lốp xe

Lốp là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, đóng vai trò then chốt trong việc giữ ổn định xe và đảm bảo an toàn suốt chuyến đi. Trước khi khởi hành, bạn cần kiểm tra kỹ tình trạng lốp: độ mòn, áp suất hơi, và đặc biệt là phát hiện kịp thời những vật thể lạ như đinh, đá sắc nhọn cắm vào gai lốp.

lop-1655

Một mẹo nhỏ từ các tài xế kỳ cựu: Nếu thấy đinh găm vào lốp, tuyệt đối đừng rút ra tại chỗ, vì có thể khiến lốp xì hơi đột ngột, rất nguy hiểm. Thay vào đó, hãy di chuyển cẩn thận đến gara gần nhất để xử lý chuyên nghiệp. Nếu lốp đã mòn quá giới hạn an toàn hoặc có dấu hiệu lão hóa, đừng ngần ngại thay mới để chuyến đi thêm vững tâm.

Nước làm mát

Hệ thống làm mát là “bảo hiểm” sống còn cho động cơ, đặc biệt khi xe phải chạy liên tục trên quãng đường dài, nắng nóng. Động cơ ô tô khi vận hành sinh ra lượng nhiệt cực lớn, nếu thiếu nước làm mát, xe có thể bị quá nhiệt, dẫn đến nguy cơ bó máy – một trong những sự cố nghiêm trọng và tốn kém nhất.

Trước chuyến đi, hãy kiểm tra mực nước làm mát bằng mắt thường. Nếu thấy mức nước trong bình phụ dưới vạch MIN, cần bổ sung ngay bằng dung dịch chuyên dụng (không nên dùng nước lã). Ngoài ra, đừng quên quan sát kỹ hệ thống đường ống xem có dấu hiệu rò rỉ, thấm nước hay không. Phát hiện sớm, xử lý sớm – đó là cách giúp chuyến đi của bạn thêm trọn vẹn.

Hệ thống phanh

Phanh là bộ phận quyết định trực tiếp đến khả năng kiểm soát xe và an toàn của người ngồi bên trong, đặc biệt trên các cung đường đèo dốc hay khi phanh gấp ở tốc độ cao. Tuy nhiên, nhiều tài xế thường chỉ để ý đến phanh khi xe đã có dấu hiệu kêu, trượt, hoặc đạp không “ăn”.

20250428162957-101kiem-tra-phanh-xe-68414-1656

Trước kỳ nghỉ dài, hãy chủ động đưa xe đến gara để kiểm tra toàn diện hệ thống phanh, bao gồm: má phanh, dầu phanh, đĩa phanh và cảm biến liên quan. Kỹ thuật viên sẽ tháo bánh, đo độ mòn má phanh, tra dầu, làm sạch bụi phanh và kiểm tra đĩa có cong vênh không. Nếu có, việc láng lại đĩa là cần thiết để đảm bảo hiệu suất phanh tối ưu.

Bu-gi, kim phun và họng hút

Ba bộ phận này đóng vai trò quan trọng trong việc đốt cháy nhiên liệu và duy trì hiệu suất vận hành của xe. Khi bu-gi mòn, kim phun và họng hút bị bám cặn, xe sẽ khó khởi động, chạy yếu, tiêu tốn xăng và dễ xuất hiện tình trạng giật cục khi tăng ga.

Theo khuyến cáo từ các kỹ thuật viên, nên vệ sinh định kỳ sau mỗi 20.000–30.000 km, hoặc sớm hơn nếu xe hoạt động thường xuyên trong điều kiện khói bụi, tắc đường. Việc vệ sinh bu-gi, kim phun và họng hút không chỉ cải thiện độ bốc mà còn giúp xe vận hành êm ái, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Mức chi phí hiện dao động từ 300.000–500.000 đồng tại các gara phổ thông.

Lọc gió

Lọc gió động cơ có nhiệm vụ ngăn bụi bẩn, tạp chất lọt vào buồng đốt – nơi diễn ra quá trình đốt nhiên liệu. Khi bộ phận này bị bám bẩn, luồng khí đi vào động cơ sẽ giảm, khiến xe ì máy, tiêu tốn xăng và có thể gây nóng máy bất thường.

20250428162957-101loc-gio-dong-co-1536-68415-1657

Các chuyên gia khuyên rằng nên vệ sinh lọc gió sau mỗi 3.000–5.000 km và thay mới sau khoảng 20.000 km để duy trì hiệu suất vận hành. Đây là một trong những hạng mục đơn giản mà chủ xe có thể tự thực hiện tại nhà, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao độ an toàn trước những chuyến đi xa.

Dầu động cơ

Dầu động cơ đóng vai trò then chốt trong việc bôi trơn, làm mát và bảo vệ các chi tiết máy khi xe vận hành. Trước mỗi chuyến đi dài, chủ xe nên mở nắp ca-pô, kiểm tra mức dầu bằng que thăm và quan sát khoang máy để phát hiện sớm nguy cơ rò rỉ.

Theo khuyến cáo, dầu máy nên được thay định kỳ sau mỗi 5.000 km. Nếu xe sắp đến hạn thay hoặc dầu đã đổi màu, có cặn, hãy chủ động thay sớm để đảm bảo động cơ luôn hoạt động trơn tru và bền bỉ.

Ngoài 6 hạng mục chính, bạn cũng đừng bỏ qua các bộ phận “nhỏ mà có võ” như kính lái, gạt mưa, nước rửa kính hay hệ thống đèn chiếu sáng để đảm bảo an toàn tối đa cho chuyến vi vu dịp lễ cùng gia đình.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục