Để bất động sản nghỉ dưỡng phát triển ổn định, cần làm tốt ba yếu tố cốt lõi sau
Bất động sản nghỉ dưỡng từng bùng nổ mạnh mẽ nay phải chật vật trước loạt thách thức: thanh khoản thấp, niềm tin nhà đầu tư lung lay, cùng những vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết. Liệu phân khúc này có thể sớm thức giấc sau kỳ "ngủ đông" kéo dài?
Tín hiệu phục hồi yếu ớt
Giai đoạn 2015-2017, bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ mạnh mẽ cùng với sự phát triển đa dạng của ngành du lịch, khi hàng nghìn dự án được triển khai tại các khu vực như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Phú Quốc.
Tuy nhiên, đến năm 2018, thị trường bắt đầu đảo chiều, ghi nhận sự suy giảm đáng kể. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, khiến phân khúc này gần như "đóng băng" hoàn toàn, với số lượng giao dịch bằng không kéo dài đến hết năm 2021.
Trong năm 2024, nguồn cung bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể, với khoảng 4.400 sản phẩm mới được tung ra thị trường. Con số này tăng 40% so với năm 2023, cho thấy sự khởi sắc nhất định sau giai đoạn trầm lắng.
Theo báo cáo quý IV của DKRA, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung sơ cấp giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, với khu vực miền Nam và miền Trung chiếm 75% tổng nguồn cung. Dù áp dụng các chính sách hỗ trợ như chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất, và ân hạn nợ gốc, sức cầu thị trường vẫn thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp chỉ đạt 56% so với cùng kỳ. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định ở mức cao, nhưng hiệu quả kích cầu chưa đạt kỳ vọng.
Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng cũng chứng kiến sự phục hồi chậm. Nguồn cung sơ cấp tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với thời kỳ trước năm 2022. Miền Trung tiếp tục dẫn đầu thị trường với 66% nguồn cung và 74% lượng tiêu thụ sơ cấp.
Giá bán sơ cấp tăng nhẹ 3%, nhưng các giao dịch chủ yếu đến từ dự án mới mở bán, đi kèm chính sách giãn tiến độ thanh toán, ân hạn và hỗ trợ lãi suất nhằm tăng thanh khoản.
Riêng phân khúc condotel, năm 2024 ghi nhận nguồn cung sơ cấp tăng 31% với 7.795 căn từ 49 dự án mới, trong đó miền Trung vẫn là "điểm sáng" với 71% nguồn cung và 79% lượng tiêu thụ sơ cấp. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn thấp, tập trung chủ yếu vào các dự án pháp lý hoàn thiện, giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D của DKRA Vietnam, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng mới năm 2025 dự kiến dao động ở mức thấp, với 2.500 - 3.000 căn condotel, 1.000 - 1.500 căn biệt thự nghỉ dưỡng, và 1.500 - 2.000 căn nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng.
"Mặc dù sức cầu có thể tăng nhẹ so với năm 2024, khó có sự đột biến trong những tháng đầu năm 2025. Mặt bằng giá sơ cấp dự kiến duy trì ổn định ở mức cao, trong khi các chính sách hỗ trợ thanh khoản như ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất, và chiết khấu lớn vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi", ông Thắng cho biết.
Báo cáo của BHS Group cho biết hiện có hơn 20.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng chưa được vận hành kinh doanh, tạo ra tâm lý dè dặt từ phía nhà đầu tư. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024 chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với gánh nặng nợ từ trái phiếu, làm gia tăng áp lực tài chính và cản trở sự hồi phục của thị trường.
Rõ ràng, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang "ngủ đông" và quá trình phục hồi sẽ chậm rãi với nhiều khó khăn. Niềm tin của nhà đầu tư cần được củng cố bằng việc giải quyết dứt điểm các vấn đề pháp lý, trong khi doanh nghiệp cần tăng cường năng lực tài chính và tìm kiếm giải pháp sáng tạo để kích cầu thị trường.
Bất động sản nghỉ dưỡng có tìm lại ánh hào quang?
Dữ liệu thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2024 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Toàn thị trường có khoảng 2.500 giao dịch thành công, với tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới đạt hơn 50%. Kết quả này phản ánh sự phục hồi đáng ghi nhận sau giai đoạn khó khăn kéo dài.
Theo VARS sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch được coi là động lực chính giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc. Trong năm 2024, Việt Nam đón khoảng 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với năm trước. Lượng khách nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2023.
Sự tăng trưởng này không chỉ giúp phục hồi ngành du lịch mà còn tạo đà phát triển cho bất động sản nghỉ dưỡng, nhờ nhu cầu ngày càng cao về cơ sở lưu trú chất lượng. Điều này cũng là minh chứng cho vai trò quan trọng của hạ tầng du lịch trong việc giữ chân và thu hút du khách.
Năm 2024 cũng đánh dấu sự quay trở lại của một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn. Sau thời gian dài im ắng, các dự án mới bắt đầu được triển khai và “phủ sóng” mạnh mẽ trên thị trường. Theo VARS, đây là nỗ lực đáng ghi nhận từ phía các chủ đầu tư, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.
Dự báo, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và các cơ hội mở từ hành lang pháp lý, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững, thị trường cần đảm bảo các yếu tố quan trọng như pháp lý rõ ràng, sản phẩm chất lượng và hạ tầng hỗ trợ tốt.
Để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phát triển ổn định, VARS nhấn mạnh ba yếu tố cốt lõi: Pháp lý minh bạch và chuẩn chỉ. Hành lang pháp lý chặt chẽ đang tạo ra “cuộc chơi” mới, chỉ dành cho những chủ đầu tư có năng lực và tiềm lực tài chính. Đặc biệt, với bất động sản nghỉ dưỡng – phân khúc vốn đã nhạy cảm về pháp lý, sự minh bạch là yếu tố then chốt để lấy lại niềm tin từ khách hàng và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Việc doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả cũng là chìa khóa để đảm bảo tính bền vững của dự án.
Ngoài ra bất động sản nghỉ dưỡng không thể tách rời sự phát triển của hạ tầng giao thông và ngành du lịch. Đây là những trợ lực quan trọng, quyết định hiệu quả kinh doanh của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm sự thất bại của một số dự án lớn với cam kết lợi nhuận không được thực hiện đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Những vấn đề này không chỉ làm mất sức hấp dẫn của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng mà còn tạo ra rào cản lớn cho sự phát triển trong tương lai.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, con đường phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều chông gai. Các chủ đầu tư cần phải giải quyết triệt để các vướng mắc về pháp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa hoạt động khai thác. Đồng thời, sự hỗ trợ từ hạ tầng giao thông và ngành du lịch là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của phân khúc này.
Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện
- Phú Quốc đón đầu xu hướng với khái niệm 'nghỉ dưỡng trọn gói sang trọng'
- Nhà phố Sun Group tại Đô thị nghỉ dưỡng Hà Nam có tầng hầm đặc biệt thế nào?
- Hot rần rần phân khu thấp tầng Kim Ngân – Kim Tiền tại Đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group tại Hà Nam
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 12/1: Lãi suất các kỳ hạn dài hiện nay, chọn ngân hàng nào để có lãi suất cao nhất?
- Gara không phải là nơi để lưu trữ mọi thứ, tránh 9 vật dụng này nếu bạn muốn giữ an toàn cho cả gia đình
- Nên chi bao nhiêu tiền cho một chiếc máy sấy quần áo? Đây là cách để có được giá tốt nhất khi đầu tư sản phẩm này