Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 20/08/2023, 07:06 (GMT+7)

Dinh thự họ Vương - Khám phá dinh thự trăm năm tuổi trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Dinh thự họ Vương là địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Hà Giang. Tới thăm quan ngôi dinh thự này, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp bởi bề thế của công trình với nét kiến trúc độc đáo kết hợp của nhiều nền văn hóa khác nhau.

Tổng quan về dinh thự họ Vương

Một vài nét nét về Dinh thự họ Vương

Dinh thự họ Vương hay còn được gọi là Dinh thự Vua Mèo, nằm tại thung lũng Sà Phìn, Lũng Phìn, Đồng Văn. Công trình được khởi công xây dựng năm 1898 và tới năm 1907 mới hoàn tất. Dinh thự nằm trên khối đất cao ráo, có diện tích là 3000m2, xung quanh là các dãy núi hình vòng cung. 

dinh-thu-ho-vuong-tiep-thi-gia-dinh-1
Được coi là một điểm du lịch tâm linh giữa lòng cao nguyên đá Đồng Văn, trải qua bao tháng năm lịch sử với những biến cố và thăng trầm của thời gian dinh thự họ Vương vẫn khoe vẻ đẹp mỹ lệ giữa núi rừng Tây Bắc. Nguồn: Facebook Huyền Trân

Dinh thự trăm năm tuổi này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành). Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông, nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực - Vua Mèo. 

Con trai ông là người theo con đường cách mạng, nhờ những cống hiến cho đất nước nên được bầu làm đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ đầu tiên. 

Lịch sử xây dựng Dinh thự Vua Mèo

Năm 1890, Vua Mèo Vương Chính Đức đã mời thầy địa lý người Hán tên là Trương Chiếu tìm địa điểm tốt để xây dựng dinh thự. Vị trí đầu tiên được thầy lựa chọn chính là Sà Phìn. Nơi đây có địa thế đẹp, nổi lên tựa như mai rùa nên được gọi là thần kim quy dựng nghiệp. 

Người dân nơi đây tin rằng, xây dựng ở trên lưng rùa sẽ được giàu sang phú quý suốt đời. Xung quanh được bao bọc bởi núi, mảnh đất của địa linh nhân kiệt. 

Từ khâu thiết kế cho tới thi công và hoàn thiện công trình, ông Vương Chính Đức đã tiến hành mời rất nhiều người tại các nơi khác về tham gia. Ví dụ như cụ Hoàng là mưu sĩ người Kinh gốc Nam Định, ông Cử Chúng Lù phụ trách quân đội H’Mông nghiên cứu và phác họa ngôi nhà trên mảnh đất. 

dinh-thu-ho-vuong-tiep-thi-gia-dinh-2
Từ khâu thiết kế cho tới thi công và hoàn thiện công trình, Vua Vương Chính Đức đã tiến hành mời rất nhiều người tại các nơi khác về tham gia. Nguồn: Facebook Nhà Vương - Dinh thự Vua Mèo, Hà Giang

Vua Mèo mời Tống Bách Giao người Hán ở Vân Nam (Trung Quốc) có nhiệm vụ thiết kế, thi công cho công trình. Tống Bách Giao đã lấy những người Hồi, huyện Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam sang thực hiện các nhiệm vụ. 

Tổng chi phí phục vụ xây dựng dinh thự lên tới 15.000 đồng bạc hoa xòe, tức là 150 tỷ đồng hiện nay. Thời gian thi công mất tới 5 năm, hoàn toàn sử dụng sức người mà không hề có sự trợ giúp từ phương tiện máy móc. 

Tìm hiểu kiến trúc độc đáo tại Dinh thự họ Vương 

Bên ngoài dinh thự

Dinh thự họ Vương nằm ở chân thung lũng, được bao bọc bởi một vùng đất cao. Với kiểu địa thế này, toàn bộ công trình được bảo vệ bởi những cánh cung núi, hỗ trợ phòng thủ rất tốt trong thời kỳ chiến tranh. Trải qua hơn trăm năm tồn tại, mọi thứ trong dinh thự vẫn vẹn nguyên như ngày đầu, điều này tạo sự thu hút, kích thích mọi người tới đây để khám phá một lần trong đời. 

Kiến trúc bên trong dinh thự là sự kết hợp hài hòa của 3 nền văn hóa khác nhau đó là H’Mông, Pháp và Trung Quốc. Dinh thự gồm 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc chia thành 3 khu vực tiền dinh (dành cho lính và nô tì), trung dinh và hậu dinh (là nơi ở và làm việc) với 64 buồng nhỏ chia thành 2 tầng. 

Để dinh thự được kiên cố, những thợ xây đã sử dụng đá xanh để xây dựng giúp dinh thự đứng vững trước kẻ thù và thời gian. Mái vách và cột trụ được làm bằng gỗ để tôn thêm sự uy nghiêm và uyển chuyển cho căn phòng. 

dinh-thu-ho-vuong-tiep-thi-gia-dinh-3
Dinh thự gồm 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc chia thành 3 khu vực tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với 64 buồng nhỏ chia thành 2 tầng. Nguồn: Facebook Dinh thự họ Vương - Dinh Vua Mèo

Đất nung được dùng cho việc xây các mái ngói giúp tạo hình dễ và chắc chắn hơn. Tới ngày nay, dinh thự Vua Mèo là một trong số ít những công trình đáp ứng tất cả các tiêu chí về nơi ở, làm việc và căn cứ phòng thủ mỗi khi có chiến tranh xảy ra. 

Kiến trúc của dinh thự là sự kết hợp của 3 nền văn hóa nhưng nhiều người cho rằng dinh thự họ Vương vô cùng hài hòa, uyển chuyển nhịp nhàng như một khối thống nhất mà không hề gò bó. Tuy công trình được xây dựng trên một khu đất lên tới 3000m2 nhưng dinh thự không hề to lớn hay đồ sộ vì nó được cấu tạo từ những phân khu nhỏ, mang nét mộc mạc, giản dị của văn hóa kiến trúc dân gian. Kiểu thiết kế với nguyên tắc trong thấp ngoài cao khiến cho tổng thể Dinh thự càng gần gũi với cảnh vật xung quanh hơn. 

Bên trong dinh thự 

Hầu hết các vật dụng, nội thất bên trong dinh thự đều gắn liền với Vua Mèo khi còn sống, chúng đều được lưu giữ và bảo quản tốt tới ngày nay. Một số các vật dụng được làm bằng gỗ như bàn ghế đã được nhà nước ta thay đổi bằng gỗ lim, gỗ nghiến để không bị hao mòn theo thời gian. 

dinh-thu-ho-vuong-tiep-thi-gia-dinh-4
Tất cả các vật dụng trong nhà được sắp xếp ngăn nắp, ở trên tường được gắn thêm những bản ghi chú để du khách có thể hiểu rõ về cách bài trí và lịch sử nơi đây. Nguồn: Facebook Vũ Kim Huế

Các cấu kiện gỗ được khắc những hoa văn hình bông hoa đào, hoa anh túc,... mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Nhưng trụ nhà được thiết kế cho giống quả của cây thuốc phiện - đây là loại cây mà Vua Mèo đã kinh doanh để kiếm ra tiền xây dinh thự này. 

Một số vật dụng có ảnh hưởng bởi phương tây có thể kể tới như bồn tắm sữa dê bằng đá, cửa sổ chớp kính bên cạnh lò sưởi, lối ra vào được làm bằng đá hoa cương kết nối bằng khung hoa sắt đậm chất kiến trúc của Pháp. 

Di chuyển tới Dinh thự họ Vương như thế nào? 

Ngày nay, các tuyến đường di chuyển Hà Nội tới Hà Giang vô cùng phát triển. Do đó, khách du lịch có thể sử dụng bất kỳ loại phương tiện nào để tới Dinh thự họ Vương. Hai phương tiện được lựa chọn chủ yếu đó là xe máy và xe khách giường nằm. 

Xe khách giường nằm

Quãng đường từ Hà Nội tới Hà Giang dài 300km, xe khách giường nằm là phương tiện di chuyển khá phù hợp dành cho du khách. Thay vì lái xe liên tục trong 6 - 7 tiếng đồng hồ thì du khách có thể ngả lưng và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến du lịch phượt Hà Giang. 

Để tới Hà Giang, du khách nên chọn điểm bắt đầu là bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Hiện tại có nhiều nhà xe khai thác tuyến đường này với nhiều chuyến xe khách từ Mỹ Đình - Hà Giang trong ngày. Các nhà xe cung cấp dịch vụ chất lượng với các tiện nghi cơ bản trên xe khách. 

dinh-thu-ho-vuong-tiep-thi-gia-dinh-5
Du khách có thể lựa chọn xe giường nằm trong chuyến hành trình tới Hà Giang. Nguồn: Facebook Cao Thu Hằng

Vé xe khách giường nằm có chi phí từ 250.000đ - 300.000đ/vé. Xe trả khách tại bến xe Hà Giang và có thể kèm thêm dịch vụ trung chuyển tới các điểm theo yêu cầu của khách. 

Có 2 lựa chọn cho du khách khi tới Hà Giang đó là thuê xe taxi hoặc xe máy. Với những đoàn khách du lịch đông người ở độ tuổi trung niên, không quen khi đi đường đèo ở Hà Giang thì nên sử dụng dịch vụ thuê xe taxi, tiện lợi và an toàn. Mức giá của xe taxi trong khoảng 7000đ - 11000đ/km, tùy thuộc vào từng loại xe. 

Phượt Hà Giang bằng xe máy qua các con đường đèo cũng là hình thức di chuyển được lựa chọn nhiều hơn cả. Với hình thức di chuyển này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp và không khí của đất trời Hà Giang. Không những thế, du khách có thể dừng chân nghỉ ở bất kỳ địa điểm nào trên đường để check in và chụp ảnh. 

Hiện nay, dịch vụ cho thuê xe máy ở Hà Giang đang khá phát triển với các đơn vị cho thuê xe uy tín chất lượng mà mức giá cũng vô cùng phải chăng. Hai dòng xe cho thuê chủ yếu tại đây là xe số và xe tay gôn có giá khoảng 150.000đ - 200.000đ/ngày. 

Xe máy

Ngoài hình thức di chuyển giường nằm, nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ lại lựa chọn xe máy là phương tiện di chuyển xuyên suốt hành trình khám phá Hà Giang. Với những du khách muốn phượt bằng xe máy có thể đi một trong hai cung đường Hà Nội - Hà Giang sau đây: 

  • Cung đường 1: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ – Đoan Hùng – Tuyên Quang – Hà Giang

  • Cung đường 2:  Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang

Cung đường 1 sẽ ngắn hơn cung đường 2 khoảng 30km. Khi tới thành phố Hà Giang, du khách có thể sử dụng bản đồ du lịch Hà Giang để tiếp tục chặng đường thứ 2 của hành trình. 

dinh-thu-ho-vuong-tiep-thi-gia-dinh-6
Phượt Hà Giang bằng xe máy là trải nghiệm vô cùng thú vị mà du khách có thể thử. Nguồn: Facebook Hang Bui

Một số lưu ý khi tham quan Dinh thự họ Vương

Để chuyến đi thật trọn vẹn, bạn cần lưu ý một số điều và lưu lại những kinh nghiệm bỏ túi như sau: 

  • Chú ý giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi và không bôi vẽ hay phá hoại các kiến trúc trong công trình. 
  • Đường tới Dinh thự họ Vương có nhiều đoạn khó đi nên bạn cần chú ý tốc độ và chọn ngày trời không mưa để tránh trơn trượt. 
  • Khi tới đây, nếu muốn chụp ảnh với người dân bản địa, bạn hãy lịch sự xin phép họ trước, vì người dân ở đây là dân tộc thiểu số, một số hành động của du khách, nếu không xin phép trước có thể gây hiểu lầm. 
  • Nên mang theo các vật dụng cá nhân như thuốc cảm, kem bôi côn trùng, kem chống nắng, nước và một chút đồ ăn,... vì chúng rất hữu ích cho những chuyến du lịch vùng cao. 
  • Dinh thự họ Vương là di tích lịch sử Quốc gia, do đó, bạn không nên tự ý chạm vào hiện vật, không chạm khắc vào cột gỗ hay làm thay đổi nguyên trạng của dinh thự. 
  • Khi tham quan, không được xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng tới cảnh quan di tích, cũng như không hút thuốc lá làm ảnh hưởng tới các du khách khác. 
  • Vào mùa lạnh, khi tới tham quan dinh thự họ Vương, bạn nên trang bị những chiếc áo ấm, khăn quàng cổ để giữ nhiệt cho cơ thể và đi những đôi giày có độ bám tốt. 
  • Du khách có thể kết hợp tham quan khám phá các địa điểm ở gần dinh thự như: Nhà của Pao, Thung lũng Sủng Là, Cột cờ Lũng Cú,... 

Trên đây là những thông tin cần biết về Dinh thự họ Vương. Nếu có dịp du lịch Hà Giang, du khách đừng bỏ qua địa điểm hấp dẫn này nhé!

Cùng chuyên mục