Thứ ba, 05/03/2024, 10:23 (GMT+7)

Giá vàng trong nước khi nào mới hết cảnh "nhảy múa"?

Chuyên gia dự đoán, giá vàng sẽ tiếp tục "nhảy múa" trong thời gian tới nếu như Ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp quản lý thị trường.

Những ngày qua, giá vàng trong nước liên tục có những cú tăng, giảm thất thường. Sau khi bất ngờ leo lên mức kỷ lục 81 triệu đồng/lượng vào ngày 2/3, giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm về ngưỡng 80,2 triệu đồng/lượng vào phiên hôm sau. Sang đến đầu tuần này, giá vàng lại tăng trở lại mức 80,4 - 80,5 triệu đồng/lượng. 

Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ và diễn biến kinh tế của Mỹ, giá vàng đang có xu hướng tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, sự khan hiếm về nguồn cung cũng tạo đà cho giá vàng trong nước tăng cao. Theo đó, nhiều khả năng, giá vàng sẽ tiếp tục "nhảy múa" trong thời gian tới nếu như Ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp quản lý thị trường. 

Vàng miếng SJC tăng nhẹ từ 50.000 – 100.000 đồng/lượng
Giá vàng trong nước tăng giảm thất thường. (Ảnh: T.L)

Báo Vietnamnet dẫn lời ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho biết: "Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu  thị trường thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng. Còn nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng. Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung".

Tương tự, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng nhận định: "Với xu hướng tăng của giá vàng toàn cầu, giá vàng trong nước cũng sẽ điều chỉnh tăng tương ứng. Tuy nhiên, mức độ tăng cũng như sự chênh lệch giữa giá vàng SJC, vàng nhẫn so với thị trường thế giới sẽ còn phụ thuộc vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, và sự chú ý hiện nay đang đổ dồn vào việc cập nhật và sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng".

Báo Người lao động dẫn lời ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24 cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết. Tuy nhiên, tinh thần chung là Chính phủ và NHNN cần tiếp tục kiên định với chính sách chống vàng hóa, giảm vàng hóa trong việc sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý vàng, hoạt động kinh doanh vàng, qua đó cũng giảm bớt vấn đề đôla hóa nền kinh tế.

Cũng theo ông Lực, quá trình chống vàng hóa theo mục tiêu của Nghị định 24 đã thành công nhưng nghị định này ra đời cách đây 12 năm và đã đến lúc cần thay đổi, sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập sự cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan đến vàng. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, NHNN quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Khi đó, thị trường vàng dần sẽ ổn định khi có chính sách ổn định cùng với cơ chế giám sát chặt ché hơn. Từ đó, giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ và đẩy giá vàng tăng cao như thời gian qua. 

Trước đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đã đưa ra những dự báo về triển vọng tăng giá vàng trong năm 2024. Theo đó, giá vàng được dự báo có thể chạm mức 2.500 USD thậm chí là 3.000 USD/ounce trong tương lai. Dự kiến, trong khoảng 6 tháng tới, giá vàng sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng, đặc biệt là vào cuối quý 3 và đầu quý 4/2024, phù hợp với xu hướng giá vàng thường tăng vào cuối năm.

Cùng chuyên mục