Thứ ba, 16/04/2024, 10:32 (GMT+7)

TS. Lê Xuân Nghĩa: Hãy quên gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng đi và cần thiết kế gói hỗ trợ mới 

Nói về tín dụng cho bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng hãy quên gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đi. Đây là gói tín dụng do các ngân hàng thương mại đề xuất hỗ trợ cho thị trường, chúng ta cần thiết kế 1 gói hỗ trợ mới, phải làm cho bài bản.  

Tại hội nghị “Công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý 1/2024 và Dự báo thị trường quý 2/2024”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đã có những chia sẻ về tín dụng cho thị trường bất động sản. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, từ năm 1990 đến nay giá vàng Việt Nam đã tăng 30 lần và giá vàng thế giới cũng tăng 30 lần. Còn về giá bất động sản, ở Mỹ giá bất động sản tăng 100 lần, trong khi đó, con số này ở Việt Nam tăng từ 100 – 400 lần. 

Có thể thấy bất động sản là thị trường có sự tăng trưởng lớn nhất và ngày càng nóng. Song, về giá trị sử dụng vẫn không thay đổi, miếng đất 10m2 vẫn giữ nguyên 10m2 đến hiện tại, Chỉ có tiền “đổ” về đây ngày càng tăng. Ông Nghĩa cho rằng đây là vấn đề rất gay go cho thị trường. 

TS. Nghĩa cho biết, qua khảo sát có hàng nghìn dự án bất động sản đang đắp chiếu tại Hà Nội, lãng phí vô vàn đất đai và tài nguyên, 67% trong số đó là khó khăn về tài chính, còn lại là khó khăn về thủ tục hành chính.

Mấy năm năm gần đây thị trường có nguồn vốn mới là trái phiếu doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn của việt nam đã nhảy vào thị trường. Tuy nhiên do cả thể chế, quản trị và sự khó khăn của từng chu kỳ, nên rất nhiều doanh nghiệp trong số đó đã gặp khó khăn về thanh khoản. 

Từ đầu năm đến giờ số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn bất động sản vượt xa các ngân hàng thương mại. Lần đầu tiên, bất động sản chiếm tới 80% lượng trái phiếu phát hành. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định, 7.000 – 8.000 tỷ đồng trái phiếu đổ vào trong thị trường thực chất không giải quyết được vấn đề gì.

Nói về vốn của thị trường bất động sản, theo ông Nghĩa, gói 120.000 tỷ đồng chúng ta nên quên nó đi. Đây là gói do các ngân hàng thương mại đề xuất để hỗ trợ thị trường bất động sản nói chung, trong đó có hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, chứ họ không có trách nhiệm gì cung cấp vốn cho thị trường bất động sản".

Không những vậy, phần lớn các chính sách sử dụng tiền của ngân hàng để làm từ thiện thường kết quả không khả quan, ví dụ như chính sách đánh bắt xa bờ cả ngân hàng và doanh nghiệp nằm khóc, chính sách về công nghiệp phụ trợ, đặc biệt gần đây là gói 43.000 tỷ đồng của Nghị định 35… bây giờ gói này mới thực hiện được hơn 660 tỷ đồng.

“Cần thiết kế 1 gói hỗ trợ mới, phải làm cho bài bản. Hiện nay, có những dự án chung cư mới tại Tây Hồ có giá đến 280 triệu đồng/m2, khu ngoại giao đoàn từ 100-120 triệu đồng/m2 là bình thường, mức giá này tôi cũng không thể mua nổi”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh. 

Do vậy, theo TS. Nghĩa, Nhà nước phải có chiến lược tài chính nhà ở không chỉ cho nhà ở xã hội mà cả nhà ở nói chung. Chúng ta có thể tham khảo một số nước rất phổ cập, đều thực hiện thông qua ngân hàng, nhưng lãi suất Chính phủ phải đứng ra chịu trách nhiệm. Đơn cử như ở Singapore, công dân được vay mua nhà ở tại ngân hàng, kỳ hạn đủ hấp dẫn. Lãi suất cứng là 2%/năm, còn chênh lệch lãi suất phải do Chính phủ tài trợ. Việt Nam lại làm ngược lại, lấy thị trường trừ 2%, hết niên hạn 3 năm lại thả nổi, thời hạn cho vay thời hạn quá ngắn.

TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị, ngoài vấn đề vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp cần cố gắng xếp hạng tín nhiệm, những doanh nghiệp kinh doanh khá, doanh thu từ vài trăm tỷ trở lên nên lên sàn giao dịch chứng khoán. Có chứng chỉ xếp hạng và lên sàn thì việc huy động trái phiếu sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng kinh doanh nghiêm túc, minh bạch và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư hơn. 

“Nếu làm được, phát hành trái phiếu sẽ ra cả cộng đồng chứ không phải là riêng lẻ, như vậy, lãi suất ở mức thấp hơn. Hiện lãi suất tiền gửi thấp, nhưng lãi suất cho vay lại thuộc diện 7 nước cao nhất thế giới. Hy vọng tới đây lãi suất cho vay có thể điều chỉnh xuống 1 chút và các doanh nghiệp cố gắng tạo sự cần thiết về mặt tài chính để có thể tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp ”, ông Nghĩa nói. 

Từ khóa:
Cùng chuyên mục