Thứ bảy, 24/12/2022, 10:06 (GMT+7)

Thưởng Tết - thước đo công bằng trong ứng xử với người lao động

Thưởng Tết đôi khi không phải chuyện nhiều hay ít mà là sự công bằng. Không phải cứ lãnh đạo thì ăn Tết to hơn nhân viên.

2

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thưởng Tết tạp vụ như hiệu trưởng (Ảnh: VNE)

Báo Tuổi Trẻ ngày 23/12 đưa tin: Một trường đại học thưởng Tết cùng mức 20 triệu đồng từ hiệu trưởng đến tạp vụ. Theo đó, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ thưởng Tết cho tất cả người lao động của trường cùng một mức giống nhau từ tạp vụ tới hiệu trưởng chung mức 20 triệu đồng/người.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - hiệu trưởng nhà trường lý giải về trường hợp thưởng tết được cho là “rất lạ” này: "Trong suốt một năm, hằng tháng các cán bộ quản lý, người có bằng cấp cao công tác tại trường đều có thu nhập tương ứng và đều nhận mức cao hơn người lao động bình thường khác rồi. Trong khi tất cả mọi người ai cũng ăn Tết như nhau, không phải hiệu trưởng ăn Tết to hơn người làm tạp vụ. Chính sách thưởng Tết trên của nhà trường mang ý nghĩa nhân văn nên tạo sự đồng thuận rất cao của tất cả mọi người trong trường".

Nói là “lạ” bởi thông thường các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường thưởng Tết theo vị trí công tác, thành tích, cống hiến trong năm.

Theo đó, các vị trí lãnh đạo, những người được xem là nhân sự chủ chốt luôn được hưởng mức thưởng cao hơn so với những lao động bình thường. Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, một đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công thương công bố mức thưởng Tết “cào bằng” thực sự khiến dư luận quan tâm.

Gần 20 năm trước, khi mới ra trường, công tác ở một đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, tôi từng thắc mắc tại sao thưởng Tết của mình chỉ bằng 1/3 bác thợ điện máy sắp nghỉ hưu? Là bởi chính sách thưởng Tết được áp dụng theo lương cơ bản với 3 tháng lương dành cho mỗi người. Mà thâm niên mình thấp, lương thấp, đồng nghĩa với thưởng Tết thấp. Thế nên, cho dù làm được rất nhiều việc nhưng cuối cùng tôi vẫn phải bằng lòng với mức thưởng Tết rất khiêm tốn bởi đó là quy định cứng không thể thay đổi.

Đến lúc nghỉ nhà nước ra làm doanh nghiệp, tôi thực sự ngỡ ngàng khi ông chủ doanh nghiệp nơi tôi làm việc đưa ra một quyết định thưởng cho người lao động… không giống ai. Sau Tết năm ấy, doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh tốt, Chủ tịch công ty thưởng cho cán bộ, nhân viên một chuyến du lịch Thái Lan.

Khi các phòng hành chính – tổ chức trình danh sách xét duyệt, thấy toàn lãnh đạo cấp phòng trở lên, ông gạt phăng đi và yêu cầu làm lại. Theo ông, chọn thưởng phải công bằng theo tiêu chí: mỗi bộ phận đều có người xuất sắc, không kể đó là nhân sự chủ chốt hay lao động phổ thông. Có lãnh đạo, chuyên gia lười biếng nhưng cũng có lao công, bảo vệ tận tâm. Kết quả là trong đoàn 20 người đi du lịch Thái Lan dịp ấy, có cả 1 chị lao công và 2 bác bảo vệ.

Khi mọi người đã đáp chuyến bay đến Thái Lan, tôi tò mò hỏi chuyện, ông Chủ tịch công ty điềm tĩnh giải thích rằng, ứng xử với người lao động trong chuyện thưởng đôi khi không phải nhiều hay ít mà phải công bằng. Chính sự công bằng sẽ tạo cho họ sự tin tưởng với tổ chức, doanh nghiệp. Một bác bảo vệ, hay chị lao công được xuất ngoại du lịch, với họ đó là một giấc mơ. Mình giúp họ thỏa ước mơ đồng thời cũng sẽ khuyến khích những người lao động bình thường khác trong công ty có thêm động lực để phấn đấu. Nhưng cốt lõi vẫn là tạo ra sự công bằng trong ứng xử với người lao động.

Lý giải của ông hoàn toàn thuyết phục tôi. Và cho đến bây giờ khi tôi không còn làm tại doanh nghiệp đó nữa thì cách trao thưởng của sếp cũ vẫn là một câu chuyện tham khảo hữu ích cho nhiều chủ sử dụng lao động bây giờ.

Trở lại với chuyện thưởng Tết “cào bằng” ở Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Theo vị hiệu trưởng, việc thưởng Tết bằng nhau từ hiệu trưởng đến tạp vụ không phải là ý chí của lãnh đạo mà đã được bàn bạc, thống nhất một cách dân chủ.

Trong tư duy quản lý của lãnh đạo ở nước ta, ít nhiều vẫn còn chuyện nể nang, ngại va chạm, lựa chọn an toàn, do đó khi chủ trương thưởng Tết thường làm theo lối mòn. Kiểu “mâm trên mâm dưới”, “sống lâu lên lão làng”, "một miếng giữa làng", ngại va chạm, trọng danh hơn trọng thực. Điều đó vô hình trung làm giảm niềm tin, nhiệt huyết với những người lao động ở các vị trí ít quan trọng trong cơ quan, tổ chức, nhất là với những người trẻ nhưng có nhiều đóng góp, cống hiến, sáng tạo.

Vẫn biết, nguyên tắc “vàng” trong phấn phối thu nhập là căn cứ vào kết quả lao động. Tuy nhiên, Tết là dịp thiêng liêng, người lao động bình thường, phổ thông là những người có điều kiện khó khăn hơn, cần được động viên cả về vật chất và tinh thần. Việc thưởng trong dịp này nếu có cách làm hợp lý sẽ tạo ra cú hích, truyền cảm hứng cho chính họ, đồng thời thể hiện văn hóa ứng xử của các cấp lãnh đạo, quản lý nói chung với người lao động.

Xem thêm: Tin tức xã hội tại Việt Nam mới nhất hôm nay

Cùng chuyên mục