Tạo ra phi lê cá tươi bằng công nghệ in 3D
Phi lê cá tươi bằng công nghệ in 3D sử dụng tế bào động vật được nuôi cấy và phát triển trong phòng thí nghiệm. Miếng cá có hương vị và kết cấu giống cá tự nhiên.
Sản phẩm cá tươi được được tạo ra bằng công nghệ in 3D là sự hợp tác giữa công ty Steakholder Foods của Israel và công ty Umami Meats của Singapore. Umami Meats chiết xuất tế bào từ cá mú bằng cách kết hợp các tế bào gốc của cá với các chất dinh dưỡng khác nhau và phát triển chúng thành cơ và mỡ. Sau đó, Steakholder Foods thêm vào một loại “mực sinh học” phù hợp với máy in 3D đặc biệt và tạo nên miếng phi lê cá.
Quá trình in chỉ mất vài phút. Thành phẩm có thể được nấu chín và ăn ngay lập tức. Miếng cá có hương vị và kết cấu giống cá tự nhiên. Các công ty sản xuất cho biết, những miếng cá như thế này dự kiến được đưa ra thị trường vào năm 2024, đầu tiên là ở Singapore.
Theo Reuters, chỉ riêng việc nuôi cấy tế bào đã quá đắt so với giá thành của hải sản thông thường. Vì vậy, các tế bào cá hiện được pha loãng với các thành phần có nguồn gốc thực vật trong mực sinh học để giảm bớt giá thành sản xuất.
Ông Arik Kaufman - Giám đốc điều hành của Steakholder Foods chia sẻ: “Theo thời gian, mức độ phức tạp của những sản phẩm này sẽ cao hơn nhưng giá thành của nó sẽ giảm xuống”.
Ông Mihir Pershad - Giám đốc điều hành của Umami Meats cho biết: “Trong những tháng tới, chúng tôi dự định công bố kế hoạch đưa loại cá này ra thị trường. Trong lần nếm thử đầu tiên, chúng tôi đã có được một sản phẩm có vị và tan trong miệng giống hệt loại cá hảo hạng”.
Các chuyên gia hàng hải ước tính rằng khoảng 1/3 trữ lượng cá toàn cầu đang bị khai thác quá mức. Đặc biệt cá mú được coi là có nguy cơ tuyệt chủng. Trước đây, nhiều công ty thực phẩm đã nghiên cứu để tạo ra các loại thịt in 3D, trong đó có thịt bò và các loại hải sản khác như lươn. Năm 2020, “gã khổng lồ” thức ăn nhanh KFC đã hợp tác với một công ty in sinh học của Nga để sản xuất gà miếng nhân tạo.