Thứ tư, 28/09/2022, 17:25 (GMT+7)

Tận hưởng mùa đông lạnh giá trên thung lũng xa

Tận hưởng mùa đông ở Sapa thật thú vị. Lúc ấy, người ta lại “ùn ùn” kéo tới nơi này hòng thưởng thức thêm 2 món đặc sản: Đó là sương mù và tuyết!

Du lịch Sapa vào cuối năm là sự lựa chọn lý tưởng. Ảnh: Shutterstock

Ngày chúng tôi du lịch Sapa, nơi này không có tuyết, nhưng lạnh tái tê. Nhiệt độ ban đêm hạ xuống chỉ còn 2 độ C. Sương mù đậm đặc tới độ chỉ còn nhìn thấy nhau mờ mờ ảo ảo dù chỉ cách có một tầm tay với.

“Ngày 7 đêm 3”

Chuyến đi đó, nhóm chúng tôi lưu trú tại Cát Cát View – khách sạn xinh xắn ở rìa thị trấn Sapa. Lý do để chọn nơi này chỉ vì yên tĩnh, tầm nhìn hướng ra núi non trùng điệp và rất gần bản Cát Cát.

Check-in phòng lúc chiều muộn, từ xe bước vào sảnh, tôi đã thấy lạnh muốn… rùng mình. Tôi có hỏi nhân viên lễ tân rằng mấy hôm nay thời tiết Sapa thế nào. Chị dí dỏm trả lời: “Ngày 7 đêm 3. Ngày trong veo và đêm lạnh teo”. À, thì ra là nhiệt độ ban ngày khoảng 7 độ và ban đêm là 3 độ. Cả nhóm đùa giỡn với nhau là kiểu gì cũng phải mặc 2-3 lớp áo rồi cuộn mình trong mền như cái kén thì mới ngủ ngon giấc.

Nếu du lịch Sapa vào khoảng tháng 12 đến tháng 2, có thể bạn sẽ thấy tuyết. Ảnh: Shutterstock

Sau khi nhận phòng, cả nhóm cùng nhau đi ăn tối. Sapa có nhiều món ngon. Với không khí lạnh này, còn gì lý tưởng bằng một nồi lẩu cá tầm măng chua. Cá được nuôi ở Sapa có thớ săn, thịt chắc và không có mỡ. Ngoài măng chua, ăn kèm với lẩu còn có đủ loại rau xanh như rau muống, cần, cải ngồng, cải xoong… Từ nước dùng cho đến các loại rau hòa quyện đều hợp vị, vừa miệng.

Ngay trong đêm đầu tiên ở “thị trấn sương mù”, chúng tôi đã hiểu vì sao nơi đây có cái tên này. Khoảng hơn 10h tối, đứng tại khoảng sân trước nhà thờ đá, mọi thứ mờ mịt, ánh đèn lập loè. Chúng tôi đứng cách một cánh tay mà không thấy rõ mặt nhau. Hình chụp selfie cả nhóm đúng chất “ảo”. Mở điện thoại ra mới giật mình, nhiệt độ ngoài trời lúc này xuống còn 2 độ C.

Cơn mưa phùn lâm thâm, gió thổi vù vù. Những hàng quán nghi ngút khói. Hương thơm phức của các xiên thịt nướng và các món ăn khác đan xen vào vị lạnh của gió mùa đông thật khó tả.

Con đường trong bản Cát Cát. Ảnh: Shutterstock

Một ngày bát ngát ở bản Cát Cát

Hôm sau, chúng tôi đi chơi ở bản Cát Cát. Từ khách sạn, cả nhóm đi bộ thong thả qua đoạn đường dốc là đến cổng chào Khu du lịch Cát Cát.

Bản được hình thành từ giữa thế kỷ 19, gồm nhiều gia đình dân tộc Mông. Họ sống dựa vào sườn núi, trồng trọt, canh tác ngay trên những sườn dốc đó. Đến thăm bản, những cư dân thành phố như chúng tôi thấy lạ lẫm với những ngôi nhà ba gian lợp ván gỗ. Ở đây người ta gọi là “nhà trình tường”. Vào tham quan bên trong mới thấy khá đơn giản với nơi thờ cúng, sàn gác lương thực để dự trữ qua mùa lạnh, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.

Nhiều người thấy lạ lẫm với kiến trúc nhà của người dân tộc Mông. Ảnh: Shutterstock

Nhà có 3 cửa ra vào với cửa chính ở gian giữa. Người dân ở bản vẫn gìn giữ nét văn hóa đặc trưng với trang phục truyền thống của người Mông. Ðàn ông vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, áo trong xẻ nách, áo khoác dài ở bên ngoài. Với phụ nữ, họ dùng tấm vải quấn quanh đầu, cổ áo khoác thêu họa tiết đơn sơ. Riêng phần thắt lưng được thêu các họa tiết cầu kỳ và có tua rua ở 2 đầu. Chiếc váy hình nón cụt được xếp nếp với phần mông bó chặt, thân váy xòe.

Cô bạn trong nhóm cũng xếp hàng cùng dòng du khách trước quầy cho thuê trang phục dân tộc. Mặc thử rồi mới biết bộ trang phục của người Mông rất dày và nặng. Nhưng lại rất ấm áp. Chúng tôi cũng thuê thêm phụ kiện để có màn hóa thân trọn vẹn hơn. Bạn nhớ là không thể thiếu cây dù nhé, vừa được che nắng, vừa có hình chụp sinh động.

Chúng tôi cứ đi bộ theo lối nhỏ, hết đoạn bê tông rồi đến những bậc thang lát đá. Sau đó tiếp tục đi qua cây cầu Si là tới trung tâm Cát Cát – nơi hội tụ của 3 dòng suối: suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.

Tại đây, nhiều người đã thử chèo thuyền trên suối. Đó thực chất là một chiếc bè làm từ các ống tre ráp lại. Bạn đứng trên đó và dùng một thanh tre khác để đẩy bè trôi đi. Mực nước suối khá cạn nên bạn cũng không lo nguy hiểm. Thời điểm này chỉ lo… cóng hết tay chân thôi. Nhiệt độ ban ngày hôm đó tôi nhớ là chỉ khoảng 5 độ C.

Có một điều mà nhiều người ít để ý khi ghé thăm bản Cát Cát. Đó là khung giờ vào thăm bản. Nếu chỉ đến để tham quan, chụp hình thì chưa trọn vẹn. Chỉ cần để ý vào khung giờ, bạn sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn, nhảy múa hấp dẫn do chính đội văn nghệ địa phương phụ trách. Múa ô, múa khèn, múa dân gian, độc tấu sáo Mông, múa xòe Tây Bắc… Thậm chí, nếu thích, bạn có thể học và tham gia nhảy cùng mọi người.

Các bạn trẻ khi du lịch Sapa đề tranh thủ thuê trang phục và hóa thân thành cô gái dân tộc. Ảnh: Shutterstock

Dân bản Cát Cát có rất nhiều món ăn được chế biến khá độc đáo. Đi cùng nhóm bạn nên có lợi thế, đó là thưởng thức được đủ thứ món. Một loạt các món ngon như rượu ngô Mông, rượu táo mèo, thắng cố, thịt hun khói khăng-gai, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, món đậu xị…, đứa nào cũng suýt xoa, “dứt” sạch-sành-sanh.

Tắm thảo dược Dao Đỏ

Một dịch vụ đặc sản du lịch Sapa mà ai đến cũng đều phải thử. Đó là tắm lá thuốc Dao Đỏ. Với bầu không khí mùa đông lạnh tím tái như lúc này, đây là một lựa chọn thư giãn vô cùng lý tưởng.

Lá thuốc Dao Đỏ là bài thuốc Nam bí truyền của dân tộc Dao Đỏ. Tác dụng của nó là thư giãn gân cốt, xua tan mệt mỏi nhanh chóng, thải độc cơ thể, lưu thông khí huyết và đặc biệt tốt cho xương khớp.

Đi chơi 1 ngày ròng rã ở bản Cát Cát, buổi tối được ngâm mình tắm trong bồn nước pha với lá thuốc Dao Đỏ mới tuyệt vời làm sao. Nhiệt độ nước lý tưởng là từ 37 – 40 độ C. Sẽ hơi nóng một chút ở những phút giây đầu. Nhưng một khi đã ngâm rồi, bạn sẽ thấy thích.

Dù rất ấm áp và thư thái, nhưng các nhân viên ở đây khuyến cáo không ngâm quá 30 phút. Lúc này chúng ta dễ bị say vật và cảm lạnh, phản tác dụng của lá thuốc. Mấy cô bạn trong nhóm đều thích mê vì sau khi nước tắm lá thuốc này, nhờ thành phần thảo dược mà da dẻ căng mướt, hồng hào và ẩm mịn.

Sau khi “thanh tẩy” cơ thể bằng thảo mộc, chúng tôi đến với tiết mục massage body. Phải nói là đêm hôm đó, về tới khách sạn, mọi người lăn ra ngủ say sưa mà không thèm check-in update Facebook gì cả.

Người dân tộc Mông ở bản Cát Cát có trình diễn văn nghệ để phục vụ du khách tham quan bản. Khi du lịch Sapa, bạn nhớ tham khảo khung giờ biểu diễn văn nghệ nhé! Ảnh: Shutterstock

Tips du lịch Sapa cho bạn

Về trang phục, vì thời tiết mùa đông giá buốt nên bạn cần chuẩn bị những chiếc áo thật ấm. Đồng thời trang bị thêm bao tay, mũ len, đồ trùm tai, mang giày ấm để chống lại cái rét ở nơi đây. Ngoài ra, khi du lịch Sapa, bạn chuẩn bị sản phẩm dưỡng ẩm cho da và môi để tránh tình trạng khô, nứt nẻ, bong tróc.

Một số khách sạn ở Sapa có cung cấp nệm sưởi hoặc chăn điện. Lưu ý, bạn không được bật liên tục nguyên đêm để tránh bị chập điện, nguy hiểm tính mạng. Tốt nhất là mở khoảng 2 tiếng và tắt hoàn toàn trước khi đi ngủ.

Bạn có thể sử dụng miếng dán giữ nhiệt. Tuy nhiên, không được dán trực tiếp lên da để tránh bị phỏng hoặc kích ứng bề mặt da.

Táo mèo là đặc sản Sapa. Tháng 11 và 12 là dịp lý tưởng để tham gia hái táo mèo cùng người dân Sapa ở trong các bản. Táo mèo có thể ăn ngay khi hái nhưng vị chua, hơi chát. Táo thu hoạch chủ yếu dùng để ngâm rượu.

Cùng chuyên mục