Thứ sáu, 01/03/2024, 11:34 (GMT+7)

Giá gas trong nước tiếp tục đà tăng trong tháng 3

Bước sang tháng 3, giá gas trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng. Với đợt điều chỉnh này, giá gas bán lẻ trong nước đã tăng liên tiếp trong 3 tháng kể từ đầu năm đến nay.

Từ ngày 1/3, Tổng Công ty Cổ phần Gas Petrolimex điều chỉnh tăng 2.640 đồng/bình 12kg và 10.560 đồng/bình 48kg so với tháng 2/2024. Theo đó, giá bình gas bán lẻ lần lượt là 460.740 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.842.760 đồng/bình công nghiệp 48kg.

Tương tự, giá gas bán lẻ tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh (Gas City Petro) cũng chính thức tăng từ hôm nay. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 481.000 đồng/bình 12kg và 2.002.500 đồng/bình 50kg. Sau điều chỉnh, giá gas của công ty này đã tăng thêm 2.000 đồng/bình 12 kg và 8.000 đồng/bình 50kg so với tháng 2/2024.

thumb (14)
Giá gas trong nước tiếp tục tăng từ tháng 3/2024. (Ảnh: Công Thương)

Cùng đà tăng, giá bình gas 12kg của các thương hiệu Thủ Đức gas, Gia Đình gas và MT gas, Vina Pacific Petro… đồng loạt tăng thêm 2.000 đồng/bình.

Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam quyết định điều chỉnh tăng thêm 167 đồng/kg, tương đương tăng 2.000 đồng/bình 12kg và tăng thêm 7.500 đồng/bình 45kg so với tháng trước,

Đại diện các doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân khiến giá gas tiếp tục đà tăng trong đợt điều chỉnh lần này do giá gas nhập khẩu thế giới tháng 3/2024 chốt ở mức 635 USD/tấn, không đổi so với tháng trước. Tuy nhiên, tỷ giá USD ngày 29/2/2024 ở mức 24.820 đồng/USD, tăng so với tỷ giá đầu tháng 2/2024 nên các công ty điều chỉnh tăng theo.

Thống kê từ thị trường nội địa cho biết, hiện nguồn cung gas chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, nên giá gas trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế. Với biến động nhẹ của giá gas tháng 3 này, việc tiêu dùng gas cho nấu nướng có thể không quá lớn đối với các hộ gia đình. Tuy nhiên, đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống như quán ăn, nhà hàng, các trung tâm cung cấp suất ăn công nghiệp, trại gà, và bệnh viện - nơi tiêu thụ lượng gas lớn có thể ít nhiều gây khó khăn.

Dự báo từ Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt GECF (tổ chức liên chính phủ hiện gồm 19 quốc gia thành viên của các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới) cho biết, trong năm 2024, nhu cầu LNG thế giới dự kiến tăng 1,5% và có thể lên đến 22% vào năm 2050. Đáng chú ý, nhiều khả năng LNG sẽ tiếp tục tăng kỷ lục và biến động mạnh ở cả thị trường châu Âu và châu Á.

Cùng chuyên mục