‘Dị nhân’ nghề gốm Việt tiết lộ siêu phẩm men Thiên Hà độc nhất vô nhị dùng trong tiệc trà quốc gia
“Chiến Gốm” như thể được sinh ra để nối dài những tinh hoa còn đọng lại của nghề gốm thủ công. Với anh, đất là người bạn tri kỷ, gốm là lẽ sống, là hơi thở… Tình yêu của anh dành cho gốm đã đơm hoa, kết trái với những sản phẩm khoác trên mình các dòng men độc đáo.
Tạo giá trị nhờ những khác biệt
Một chiều đầu đông, chúng tôi tìm về mảnh đất Xuân Quan, Văn Giang (Hưng Yên) theo lời dẫn của một bạn trà, say mê trà cụ thủ công. Bước qua cánh cửa lẫn màu bụi đất, chúng tôi gặp được “Chiến Gốm” - nghệ nhân trẻ được nhiều người yêu mến coi như là “của hiếm” của nghề gốm vuốt tay.
“Chiến Gốm” tên thật là Nguyễn Văn Chiến (1994), quê quán ở Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh nhưng lại được sinh ra và lớn lên tại Xuân Quan, Văn Giang (Hưng Yên). Nghệ nhân trẻ xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề gốm thủ công.
Cha của anh là nghệ nhân Nguyễn Văn Chế - một thợ gốm thủ công nổi tiếng tài hoa với kỹ thuật tạo hình và làm men thượng thừa. Ông là người truyền lửa cho rất nhiều thế hệ theo nghề gốm thủ công. Ông cũng chính là một học trò xuất sắc của bậc thầy trong nghề gốm - ông Căn “Thần Đất”.
Từ nhỏ, “Chiến Gốm” đã đam mê, mày mò tự làm ra những sản phẩm gốm trang trí như bình hoa, lọ, đèn bàn… Đến khi có duyên tiếp xúc với trà đạo, qua thời gian tìm hiểu, anh nhận thấy uống trà là một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người Á Đông trong đó có người Việt. Từ đó, anh đã ấp ủ và khao khát theo đuổi dòng sản phẩm trà cụ thủ công cao cấp.
Tình yêu mãnh liệt với đất, với gốm cứ tự nhiên tuôn trào qua những tác phẩm độc nhất mang thương hiệu “Chiến Gốm”, in đậm hơi thở của truyền thống lẫn dấu ấn cá nhân đầy tính sáng tạo.
Không chạy theo trào lưu của thị trường, “Chiến Gốm” quyết “bơi ngược dòng” để kiên định với cách làm gốm thủ công. Ngày ngày nghệ nhân trẻ miệt mài nặn, mải mê ve vuốt trên chiến bàn xoay cũ kỹ mà do cơ chế thị trường đã chẳng còn mấy ai dùng. Ngả bàn xoay, anh thỏa sức sáng tạo với đất, miệt mài, cặm cụi vuốt những sản phẩm gốm của riêng mình.
Qua đôi bàn tay “ma thuật”, những nắm đất vô tri đã được anh “phù phép” trở thành các trà cụ độc đáo. Mọi đường vân, thế dáng đều được tâm hồn nghệ sĩ chú trọng thả hồn, khiến những sản phẩm mang thương hiệu “Chiến Gốm” trở nên khác biệt.
Sự khác biệt trong các sản phẩm của “Chiến Gốm” còn đến từ sự khắt khe trong quá trình chọn lựa nguyên liệu. Từng chiếc ấm, chiếc chén cho đến các dụng cụ khác như khải, tống đều được anh chế tác dựa trên những nguyên liệu độc quyền. Có lẽ vì vậy mà cả “Chiến Gốm” lẫn những sản phẩm của anh đều được nhiều người trong giới coi như “của hiếm”.
Từ tốn pha trà mời khách, “Chiến Gốm” chia sẻ về dòng men Thiên Hà độc quyền. Đây là dòng men gốm đặc biệt, nổi bật với vẻ đẹp huyền ảo tựa bầu trời đêm rực rỡ ánh sao được anh nghiên cứu và chế tác thành công vào năm 2021. Dòng men này là sự kết hợp nguyên liệu tự nhiên quý hiếm và kỹ thuật nung gốm cổ truyền, mang đến lớp men huyền ảo và lạ mắt.
Không chỉ đẹp về thẩm mỹ, men Thiên Hà còn có tác dụng độc đáo trong thưởng trà. Lớp men giúp làm mềm nước, khử vị chát tự nhiên của trà, đồng thời làm nổi bật hương thơm tinh tế của từng loại trà, tạo nên một trải nghiệm thưởng trà trọn vẹn và thanh tao.
“Người tinh vị khi thưởng trà bằng chén Thiên Hà sẽ thấy trà đỡ chát, kích hương, kích vị hơn. Đặc biệt với dòng trà sen của Việt Nam, lớp men từ chén có tác dụng làm cho hương của trà thêm sâu, vị của trà thêm đậm. Khi uống hết, hương của trà sẽ được lưu lại trên bề mặt gồ ghề, trong lòng chén với những lỗ nhỏ li ti của lớp men có chứa nhiều o-xít sắt. Có thể đó là những yếu tố giúp hương vị của trà ẩn sâu trong chén, giúp chén lưu hương nhiều hơn”, nghệ nhân trẻ lý giải.
Chính sự say mê lao động, với cách làm mang nhiều giá trị truyền thống và sự khác biệt đã giúp cho thương hiệu “Chiến Gốm” được định giá, định danh trong làng gốm. Đây là điều không phải nghệ nhân nào cũng may mắn có được.
Rủi ro cao không khuất phục nổi ‘dị nhân’ làng gốm
Gốm không chỉ là vật phẩm kinh tế hay đồ dùng phục vụ sinh hoạt đời sống thường ngày, nó còn là những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc.
Để có được những sản phẩm gốm vuốt tay tinh xảo, chắc chắn không chỉ cần niềm đam mê, sự xả thân làm việc với mồ hôi và nước mắt mà còn là sự thao thức và lao lực trong sự sáng tạo. Bởi những sản phẩm này yêu cầu người nghệ nhân cần có độ kỳ công, tỉ mận trong từng sản phẩm.
“Chiến Gốm” cho biết, muốn làm chủ được dòng men “khó tính” này, bắt buộc các quy trình phải nghiêm ngặt, từ khai thác phôi đất, sàng lọc. Trung bình mỗi ngày nếu tập trung làm hết công sức có thể cho ra từ 20 - 30 phôi sản phẩm vuốt tay. Trước khi chuyển sang công đoạn hoàn thiện phom hình, các phôi này cần phải chờ từ 2-3 ngày để khô tự nhiên, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của các sản phẩm vuốt tay sau khi nung rất thấp, chỉ từ 45 - 50%.
“Các sản phẩm vuốt tay phụ thuộc rất nhiều vào độ tinh của người làm. Nếu các sản phẩm vượt quá ngưỡng chênh lệch cho phép về độ dày, khi nung trong cùng một nhiệt độ sẽ rất dễ đến hiện tượng nứt xé, móp méo, không tròn trịa. Chính vì vậy, những sản phẩm vuốt tay thường có yếu tố rủi ro cao hơn”, anh lý giải.
Về màu sắc, người nghệ nhân cần phối trộn các nguyên liệu theo tỷ lệ nhất định rồi kết hợp với phôi men bên ngoài để tạo ra các dải màu sắc độc đáo.
Nói thêm về dòng men độc quyền Thiên Hà, anh tiết lộ dòng men này được tạo thành từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, rất an toàn với sức khỏe con người. Mới đây, men Thiên Hà đã được Ủy ban Tiêu chuẩn đo lượng chất lượng Quốc gia kiểm định và xác nhận đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về hình thức lẫn chất lượng, mang đến sự an tâm tuyệt đối cho người dùng.
Ngoài dòng men độc quyền Thiên Hà được anh nghiên cứu thành công (2021), trước đây anh cũng chính là người tìm ra loại đất sét với hàm lượng các khoáng chất tốt mà anh đặt tên là Thạch Thố (2017). Với niềm đam mê và sự sáng tạo liên tục, anh vẫn không ngừng học hỏi để nghiên cứu và phát triển thêm nhiều dòng men khác để sản xuất ra những trà cụ mang theo “chất Việt - hồn Việt”.
Trời không phụ lòng người
Khoảng vài năm trở lại đây, các sản phẩm vuốt tay của Chiến Gốm đã trở thành “cơn sốt” trong giới say mê trà cụ thủ công. Người yêu mến trà cụ men Thiên Hà đa số là những trà nhân, người sưu tầm thực thụ, mong muốn tìm những giá trị không dễ có ở những sản phẩm khác trên thị trường.
Anh Chiến kể, rất nhiều khách hàng ban đầu tìm tới sản phẩm gốm của anh vì hiếu kỳ nhưng càng tiếp xúc càng thấy đẹp và trân quý. Nhiều người khi nghe tin anh sắp ra lò mẻ gốm mới đã đến tận xưởng để xem và ngả giá, ngỏ ý muốn mua cả lô, kể cả những sản phẩm “độc bản” bị nổ men khi nung.
“Vô cùng hạnh phúc khi những ‘đứa con’ do mình kỳ công tạo ra được nhiều người đón nhận nhưng không vì thế mà tôi cho phép bản thân được quyền dễ dãi trước vòng xoáy cơ chế của thị trường. Những sản phẩm của Chiến Gốm khi đến tay khách hàng bắt buộc phải là những sản phẩm được trau chuốt tỉ mỉ, tốt nhất và đẹp nhất. Nhiều khách hàng vì quá yêu mến cũng ngỏ ý muốn mua lại các sản phẩm lỗi nhưng tôi không đành. Đây cũng là nguyên tắc ‘bất di bất dịch’ của tôi khi làm gốm” - anh Chiến tâm sự.
Những sản phẩm mang thương hiệu Chiến Gốm không chỉ nổi tiếng trong nước, danh tiếng của trà cụ Thiên Hà theo các đoàn ngoại giao còn được truyền sang tận nước bạn Trung Quốc.
Tại triển lãm giao lưu văn hóa hữu nghị Việt - Trung được tổ chức bởi Hiệp hội UNESCO Hà Nội, các sản phẩm của Chiến Gốm đã thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Nhiều người không khỏi bất ngờ về độ tương đồng giữa dòng đất giàu khoáng chất Thạch Thố của “Chiến Gốm” với dòng đất sét “quốc bảo” Tử Sa của Trung Quốc. Dẫu vậy, ở các sản phẩm của Chiến Gốm vẫn mang đậm “chất Việt - hồn Việt” cùng các dấu ấn sáng tạo cá nhân.
Anh còn tiết lộ, bản thân vừa nhận một đơn hàng đặc biệt, đang trong quá trình lên ý tưởng và hoàn thiện để xuất sang Mỹ gửi bà con kiều bào. “Thật xúc động khi những người con xa quê vẫn luôn hướng về văn hóa dân tộc. Mong rằng những sản phẩm của Chiến sẽ góp phần lan tỏa về văn hóa Việt Nam đến nước Mỹ xa xôi” - anh tâm sự.
Rót trà tiếp khách, anh Chiến tự hào nhắc về kỷ niệm gần một năm trước tại Tiệc trà Quốc gia. Trong sự kiện đặc biệt này, hai chiếc chén men Thiên Hà do anh dày công chế tác đã vinh dự được dùng làm chén chủ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí Thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, cặp chén chủ của anh đã được phái đoàn người Trung cẩn thận mang về nước bạn để phân tích trước khi đưa vào tiệc trà.
Anh chiến bày tỏ: “Bản thân rất vinh dự khi cặp chén men Thiên Hà được lãnh đạo Đảng dùng để tiếp đãi nguyên thủ quốc gia”.
Bằng niềm say mê mãnh liệt với nghề gốm thủ công cũng như những nỗ lực và sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, năm 2024, anh vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia.
Ngoài những giá trị về mặt tinh thần, các sản phẩm của Chiến Gốm còn tạo nên nguồn tài chính giúp người nghệ nhân yêu nghề tiếp tục thỏa mãn sức nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm nối dài những tinh hoa còn đọng lại của nghề gốm thủ công. Cũng nhờ gốm, anh cùng vợ đã nên duyên vợ chồng. Rồi cũng nhờ gốm, đến nay anh đã đủ vững vàng để cùng vợ lo toan, vun vén cho gia đình nhỏ.
Ước vọng lưu giữ giá trị gốm Việt
Anh Chiến cho biết, gốm sứ là sản phẩm truyền thống được tạo ra bởi bí quyết sản xuất và đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo cao. Thời xưa, các lò gốm thủ công tuyệt đối giấu nghề theo phương pháp cha truyền con nối. Đặc biệt, nước men để tráng lên đồ gốm là bí quyết của mỗi nhà lò và được gìn giữ như “tuyệt kỹ kungfu” vậy.
Tuy nhiên, quan điểm này không còn đúng trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là khi các sản phẩm gốm sứ trên thị trường không còn nhiều giá trị khi được sản xuất đại trà với quy mô công nghiệp. Vì vậy, anh vẫn luôn đau đáu về việc gìn giữ nghề theo cách làm thủ công truyền thống. Anh dự tính sẽ tìm tối đa 3 người có đủ tài năng, tố chất, để đồng hành cùng anh trong việc tạo tác sản phẩm theo cách thủ công nhất có thể.
Khi hỏi về con trai, anh cho biết, bé có tố chất giống bố và bộc lộ khả năng làm gốm nhưng sau này con có theo hướng đi của bố và làm công việc truyền thống của gia đình hay không thì chưa dám chắc.
“Chiến chưa quá lo lắng về việc một ngày nào đó bài men Thiên Hà độc quyền bị thất truyền. Bởi, Chiến còn rất trẻ và bài men này cũng chưa được hoàn thiện ở mức cao. Thời gian tới, Chiến sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển dòng men này. Chiến tin rằng đến một thời điểm nào đó, bài men sẽ còn có những biến thể đẹp hơn nữa, chất lượng hơn. Khi ấy, Chiến sẽ tập trung nhiều hơn đến việc trao truyền món nghề này” - cha đẻ dòng men Thiên Hà tâm sự.
Với tài năng thiên bẩm, sự tinh tế và trái tim rung cảm nghệ thuật tuyệt vời, người nghệ nhân trẻ sớm nhận thấy và lĩnh hội được những tinh túy mà cha ông ngàn năm đúc kết. Với anh, nghề gốm không phải con đường mưu cầu danh lợi hay vật chất mà là để thỏa mãn khát vọng nhân lên những giá trị, những tinh hoa chất chứa hồn cốt bao đời.
Hiện tại, anh chỉ mong muốn bản thân có đủ sức khỏe để được tiếp tục làm nghề, bởi “nghề vuốt gốm là cuộc sống của tôi, dù nhọc nhằn, nhưng tôi vẫn sẽ giữ nghề, không thể bỏ được. Tôi muốn tạo nên những tác phẩm gốm tinh xảo hơn nữa để một ngày, trên các bàn trà cụ không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khắp năm châu, bốn bể đều có dấu ấn của gốm Việt”, anh Chiến nói.