Thứ ba, 21/03/2023, 13:08 (GMT+7)

Vì sao đi máy bay phải nhớ 'không tin ai ngoài chính mình' kẻo thành tội phạm?

Việt Phong (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Nhờ cầm đồ hộ là chuyện có thể gặp ở sân bay với hành khách đi máy bay, nhưng nếu nhẹ dạ giúp người, bạn có thể sẽ thành tội phạm khi qua cửa soi chiếu an ninh.

Chuyện nhờ xách đồ hộ khi đi máy bay không hề hiếm gặp. Nhiều hành khách cả nể, nhận cầm hộ như một cách giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, đôi khi lòng tốt của bạn có thể dẫn đến những rắc rối nếu như trong món hàng cầm hộ có chứa chất cấm như ma tuý, thuốc lắc, chất nổ, súng...

Đi máy bay - không tin ai ngoài chính mình

Chị Nguyễn Nhị (Nhân viên ngân hàng ở Hà Nội) nhớ mãi lần đi du lịch tới Philippines cách đây 5 năm. Đó là lần đầu tiên chị Nhị xuất ngoại nên khá bỡ ngỡ. Sau khi làm thủ tục check in xong, một nhân viên hàng không lại gần và nhờ chị Nhị cầm hộp cà phê sang Manila cho một người bạn. 

"Nhìn chị nhân viên hàng không nhờ cầm hộ hộp cà phê, tôi không hề nghĩ ngợi gì nên đồng ý luôn. Người phụ nữ đó nói có bạn ở Manila muốn uống cà phê Việt Nam, nhưng chuyển bưu điện mất thời gian nên muôn nhờ giúp, ngay khi máy bay hạ cánh sẽ có người nhận. Tôi vừa cầm hộp cà phê thì một người bạn cùng đoàn lên tiếng và khuyên không nên cầm hộ. Bởi vì, không biết chất bên trong có phải cà phê thực hay không. Nhờ nghe lời khuyên của bạn nên tôi không cầm. Mặc dù, hơi áy náy vì không giúp được người ta, song tôi nghĩ an toàn vẫn là trên hết. Chẳng có thể tin ai ngoài chính mình", chị Nhị nhớ lại.

tiep-thi-gia-dinh
4 nữ tiếp viên hàng không mang hộ các hộp kem đánh răng về nước nhưng bị phát hiện bên trong có chứa ma tuý và thuốc lắc

Nhiều người từng đi du lịch qua các sân bay khuyên nên cảnh giác với chiêu nhờ cầm hộ hành lý. "Tôi từng gặp nhiều trường hợp không quen biết, đột nhiên lại gần nhờ cầm hộ một chiếc túi xách hoặc vali để họ đi mua nước uống hay đi vệ sinh. Nghe qua mọi chuyện rất đơn giản, nhưng nếu là người cảnh giác thì phải tỉnh táo. Bạn cầm giúp họ nhưng chưa chắc đã quay lại để lấy. Giả sử trong túi xách hay vali đó có chất cấm thì sẽ như thế nào, đó có phải là một hình thức thoái thác trách nhiệm không?", chị Nhị chia sẻ thêm. 

Mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về câu chuyện 4 nữ tiếp viên hàng không xách tay hộ các tuýp kem đánh răng về Việt Nam với tiền công 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khi qua máy quét thì hải quan phát hiện bên trong các hộp kem đánh răng là ma tuý và thuốc lắc.

Trên một diễn đàn về du lịch, nickname Shanshan đưa ra lời khuyên: "Từ vụ tiếp viên hàng không bị phát hiện xách ma tuý và thuốc lắc, các bạn sắp đi du lịch tuyệt đối không mang hộ, dù là người quen nhờ vả. Nếu mang giấy tờ có thể được, còn đồ ăn, thức uống hay các món đồ đóng kín không kiểm tra được thì thẳng thừng từ chối, nhất là các loại bột (sắn dây, dinh dưỡng, ngũ cốc), kể cả những loại đồ ăn mà không nhãn mác nguồn gốc xuất xứ". 

Nguy cơ thành tội phạm nếu nhẹ dạ giúp người khác cầm đồ hộ

Quy tắc của ngành hàng không là "hành lý đi theo người, người đi đúng giấy tờ". Khi làm thủ tục soi chiếu hay qua cửa an ninh, hành khách tuyệt đối không mang hộ đồ người khác. 

Thời điểm đặt hành lý lên khay nhựa để soi chiếu cũng không để chung với người khác, không được cho người lạ để đồ vào khay của mình. Hành lý của mỗi cá nhân cần tự tách rời với người khác để tránh liên luỵ về sau.

tiep-thi-gia-dinh
Luôn nhớ nguyên tắc hành lý đi theo người, chú ý giám sát hành lý mọi lúc mọi nơi

Nhà chức trách cũng khuyến cáo hành khách chỉ mang hành lý do bản thân đóng gói, kiểm tra bên trong có gì, không mang hộ hành lý hay bất cứ hàng hoá nào khác mà người khác nhờ và không biết bên trong có gì.

Tại sân bay, dù là người già hay phụ nữ mang thai nhờ cầm hộ món đồ nào đó cũng cần từ chối. Bạn không biết món đồ đó chứa gì bên trong, làm từ nguyên liệu gì, rất có thể các tên tội phạm sẽ đưa chất cấm vào.

Tội phạm có thể nguỵ trang khéo léo bằng cách đưa hàng cấm vào trong chai nước, cho vào trong trái cây hay gói đồ ăn nhanh... Chúng nhờ bạn cầm lên máy bay sẽ lấy lại. Nếu gặp tình huống như vậy phải cảnh giác, từ chối ngay.

cam ho 2
Tuyệt đối không mang hộ hành lý, hàng hoá cho người khác ở sân bay và lên máy bay

Trong trường hợp có hành khách bị quá cân, nài nỉ cho gửi nhờ đồ đạc, bạn cũng nên từ chối một cách dứt khoát. Thay vì cố gắng giúp người ta thì nên khuyên khách quá cân hành lý mua thêm tại quầy check in. 

Ngoài ra, việc giám sát hành lý của bản thân trong quá trình chờ lên máy bay hay qua cửa soi chiếu an ninh, làm thủ tục xuất nhập cảnh cũng là điều cần lưu tâm. Bởi, một chút lơ là, tội phạm có thể để các món đồ chứa chất cấm vào hành lý của bạn. Tuyệt đối không nhờ người lạ tại sân bay cầm hộ hành lý để đi mua đồ ăn hay vệ sinh. Luôn nhớ nguyên tắc hành lý đi theo người, trang bị thêm khoá bằng mã số hoặc ổ khoá nhỏ để không ai có thể tự tiện mở hành lý của bạn. 

Cùng chuyên mục