Trong năm 2022 cả nước thiệt hại 19.500 tỉ đồng do thiên tai
Trong năm 2022, cả nước xảy ra 1.072 trận thiên tai, làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế 19.500 tỉ đồng (gấp 1,6 lần về người và 3,4 lần về kinh tế so với năm 2021).
Chiều ngày 20/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính Phủ - Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Trong năm 2022 cả nước đã ghi nhận 21 trong tổng số 22 loại hình thiên tai. Trong đó, xảy ra tổng cộng 1.072 trận thiên tai lớn nhỏ, làm 175 người chết và mất tích, gây thiệt hại về kinh tế cho đất nước gần 19.500 tỉ đồng (thiệt hại về người gấp 1,6 lần và thiệt hại về kinh tế 3,4 lần so với năm 2021).
Trong các tháng đầu năm 2023, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển;…làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỉ đồng.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang cho rằng trong hoàn cảnh thiên tai các địa phương đã có trách nhiệm để hạn chế thiệt hại. Dù vậy, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng tiếc nhất là vẫn còn người chết và mất tích vì thiên tai, tổn thất này là rất lớn vì sinh mạng con người. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, của các địa phương cũng chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện, chưa sát với thực tế.
Trong hội nghị, các bộ, ban, ngành đã báo cáo phương án về công tác ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn; đánh giá tình hình thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo năm 2022 và nhận định về tình hình thiên tai năm 2023; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Hoàng Hiệp đã nêu 7 tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai Trong năm 2022. Trong đó, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng chống thiên tai nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế và chưa phù hợp.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang đề nghị các ngành, các địa phương cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó, nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai.
Còn các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định; tiếp tục xây dựng các bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập trên địa bàn tỉnh; rà soát, thực hiện đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là xây dựng và nâng cấp các công trình hồ chứa, kè bờ sông, các hệ thống tiêu, thoát lũ khu dân cư đảm bảo phòng, chống sạt lở, ngập úng cho khu vực.