Thu Phương – tiếng hát đằm sâu ẩn chứa những đa đoan
Thu Phương – nữ ca sĩ của miền biển Hải Phòng sở hữu chất giọng tuyệt đẹp mà theo như lời nhận xét của nhạc sĩ Quốc Bảo là “chất alto đằm sâu ẩn ức thơm ngát như những luồng sáng tỏa ra từ một chiếc đỉnh đồng đốt trầm”…
Tôi hẹn gặp nữ ca sĩ Thu Phương trên con phố Trần Hưng Đạo vào một chiều cuối Thu. Hà Nội bất chợt đổ một cơn mưa rất lớn đúng vào giờ tan tầm khiến dòng người kẹt cứng. Thu Phương xuất hiện, vẫn đặc trưng với đôi mắt vời vợi như biển khơi nhưng khóe môi tươi tắn và giọng nói thật ấm áp thân thiện.
“Tuổi thơ dữ dội”…
Thu Phương trúng tuyển tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ bằng tài năng thực sự thuyết phục khi 13-14 tuổi. Ban giám khảo là NSND Trần Hiếu và NSUT Hồng Kỳ đã ngạc nhiên trước sự cảm thụ âm nhạc đặc biệt của cô bé suy dinh dưỡng, đen đúa và “xấu xí” ấy.
Thu Phương chào đời vào ngày 9 tháng 10 năm 1972 tại quê ngoại Kiến An, Hải Phòng khi gia đình chạy sơ tán chiến tranh. Đó là giai đoạn khói lửa điêu tàn, đói nghèo triền miên. Sinh trưởng trong một gia đình thuần công nhân, chất Hải Phòng ngấm vào cô gái có cái tên mang ý nghĩa là hương thơm của mùa Thu.
Thu Phương kể: Với hoàn cảnh xã hội lúc đó, Phương không biết sợ, cứ lang thang khắp con đường Hải Phòng. 9-10 tuổi mình đã đi đến cung thiếu nhi Hải Phòng để xin học hát.
Chị trúng tuyển tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ bằng tài năng thực sự thuyết phục khi 13-14 tuổi. Ban giám khảo là NSND Trần Hiếu và NSUT Hồng Kỳ đã ngạc nhiên trước sự cảm thụ âm nhạc đặc biệt của cô bé suy dinh dưỡng, đen đúa và “xấu xí” ấy.
Nghệ sĩ Hồng Kỳ kiểm tra thẩm âm, tiết tấu cho Thu Phương, nghệ sĩ Trần Hiếu lại chú ý bởi giọng hát rất đặc biệt của cô bé Hải Phòng. Tuy nhiên, mọi người đã họp rất nhiều để quyết định xem có nhận chị hay không vì thuở đó “Mình rất bé lại rất xấu, cao có 1m39, không có tố chất gì để thành ca sĩ được mà nhận xong mấy năm không làm gì được lại phí cơm gạo của nhà nước.
Phải đến khi Bố đưa Phương lên tuyển vòng 2 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Thấy bố Phương thì chú Hồng Kỳ, bác Trần Hiếu, cô Kim Phúc, cô Bội Chân đều nói thôi nhận đi vì bố cao to nên chắc chắn mình cũng sẽ cao được”, Thu Phương bồi hồi tâm sự.
Cuộc sống những năm 80 đi lại, sinh hoạt khó khăn, gia đình nghèo không có điều kiện, không có tiền mua vé tàu về nhà nên sau những tháng được nghỉ học Thu Phương “nhảy tàu” về thăm gia đình và cũng mong được “tiếp tế” cho ít lương thực mang đi. Chị cứ lang thang trốn vé đi theo người bán hàng rong…
Ở Hà Nội, tài sản vào đời của Thu Phương ngoài giọng hát thiên bẩm còn bốn thứ: một chiếc xô, một chiếc chậu, 1 cái chạn và 1 chiếc valy đựng quần áo.
Mỗi tháng, Thu Phương có số tiền học bổng là 19.000 đồng và 17,5 kg gạo. Có những ngày chị đi bộ 28 km (từ Nhà hát Tuổi trẻ đến Nhạc viện là 7km x 4 lượt đi và về, sáng, trưa, chiều, tối). Dù mê kem Tràng Tiền lắm nhưng mỗi tháng chị chỉ dám ăn một que. Ăn phở chịu là câu chuyện mà Thu Phương luôn xúc động mỗi khi nhớ lại “Chị Hồng phố Lê Văn Hưu có một tiệm phở, mình cứ đi ăn chịu gối đầu, buổi chiều đi hát Nhà nổi Hồ Tây nhận tiền ngày hôm trước thì hôm sau sẽ trả tiền bát phở…”.
Sự nghiệp thăng hoa
Chỉ cần thỏa niềm đam mê được hát, Thu Phương không ngại ngần, không bỏ qua bất cứ một cơ hội từ việc hát lót, hát ở địa điểm công cộng, vườn hoa, công viên, hát vũ trường, phòng trà hay các tụ điểm văn nghệ ở Thủ đô chị đều say mê và tha thiết.
Bạn chỉ gặt hái được những kết quả tốt đẹp khi bạn ở trong một hoàn cảnh không có sự lựa chọn nào khác và Thu Phương đã từng như thế. Nếu như không lao ra đường, không hát, không kiếm được tiền thì sẽ không thể tồn tại. Hễ cứ được gọi là Phương xuất hiện không ngại ngần, thậm chí tự tìm kiếm cơ hội cho bản thân và điều đó đã rèn luyện để Thu Phương sau này trong bất kỳ môi trường nào, sân khấu nào, bài hát nào cũng phải cố gắng làm tốt nhất.
Chỉ cần thỏa niềm đam mê được hát, Thu Phương không ngại ngần, không bỏ qua bất cứ một cơ hội từ việc hát lót, hát ở địa điểm công cộng, vườn hoa, công viên, hát vũ trường, phòng trà hay các tụ điểm văn nghệ ở Thủ đô chị đều say mê và tha thiết.
Sau những ngày tháng khổ luyện, lăn lộn ở thủ đô, cô bé Thu Phương đen đúa, xấu xí, suy dinh dưỡng bỗng “dậy thì” vô cùng thành công ở tuổi 17. Thu Phương hài hước chia sẻ “Vụt cao bất ngờ chỉ sau một đêm, giá như không bị thiếu thốn, đói ăn triền miên thì chắc cũng tự tin thi hoa hậu như em gái ruột Kim Oanh – hoa khôi thể thao đấy!”
Cuộc sống riêng của Thu Phương ở thời điểm đó trở thành biểu tượng về một gia đình nghệ sĩ hạnh phúc với 2 thiên thần vô cùng đáng yêu. Chị liên tục gặt hái vị trí vững vàng Làn sóng xanh, Đĩa hát vàng nhiều năm liên tiếp...
Tất cả mọi thứ từ sự nghiệp, gia đình với người đàn bà 30 tuổi cứ tưởng rằng quá êm đềm nhưng rồi một ngày Thu Phương chợt nhận ra thế giới rộng lớn, khán giả còn ở nhiều nơi, phải vượt ra khỏi khuôn khổ của bản thân, mong muốn được làm mới, thỏa sức thực hiện những dự án âm nhạc, được học hỏi và làm việc với những người tài giỏi, được vượt những giới hạn về đời sống âm nhạc bó hẹp cũ kỹ, đó là nguồn cơn cho những hệ lụy, sóng gió ập đến... Thu Phương bỏ lại tất cả sự nghiệp rực rỡ của mình để qua phương trời mới – nước Mỹ.
“Sống đến một độ tuổi nào đó thì mình sẽ chiêm nghiệm được rằng tại sao cổ nhân thường nói câu này, tại sao các cụ thường nói câu kia. Bởi vì khi chưa vấp ngã thì bạn chưa rút ra được kinh nghiệm sống”.
Đó là năm 2003, không có kinh tế, chưa có công việc ổn định, không có một người thân nào xung quanh để hỗ trợ về tinh thần. Xa con cái khi chúng còn nhỏ, phải gầy dựng lại sự nghiệp tại miền đất mà sự tiếp nhận cũng luôn song hành với sự đào thải nghiệt ngã.
Nhưng ở đời cái gì cũng có cái giá của nó. Cái giá của sự thay đổi, của sự mưu cầu thì phải biết đương đầu, chấp nhận lựa chọn cho dù thất bại. Đã ra khơi thì phải vượt sóng và phải sống.
Người đàn bà tuổi 50 tài hoa đa đoan chớp đôi mắt buồn như biển khơi khi nghĩ về những quyết định đã khiến cuộc sống và sự nghiệp của chị có quá nhiều thay đổi cách đây 20 năm.
“Nếu làm lại thì có thể tôi sẽ làm cách khác, tránh tổn thương nhiều hơn, bớt đau đớn nhiều hơn, bớt hối hận nhiều hơn. Phải đi đến tận cùng nỗi nhớ, tận cùng của sự thất bại thì mới cho mình một bài học quý giá.”
Có lẽ sóng gió của cuộc đời đã thấm vào giọng hát đằm sâu, chất chứa quá nhiều nỗi ẩn ức rất đàn bà của Thu Phương, để mỗi khi có cơ hội được hát là Thu Phương như muốn trút hết nỗi niềm giống như đây là lần cuối cùng trọn vẹn.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Khi hỏi vậy tại sao chị không đồng ý làm đám cưới với anh Dũng? Thu Phương nở một nụ cười hạnh phúc: “Mình thích là người yêu, vì là người yêu sẽ được chở đi ăn, được hẹn hò, sáng nào cũng được hỏi: Em có đồng ý cưới anh chưa?”.
Dũng Taylor mang trong mình dòng máu lai Việt – Mỹ. Anh là kỹ sư ngành viễn thông sống ở miền Đông nước Mỹ. Ẩn sau vẻ xù xì, thô ráp thì anh lại có một tâm hồn rất lãng mạn, yêu quê hương Việt Nam, thích nhạc Việt. Anh rất thương Mẹ vì thấu hiểu cảnh Mẹ đã phải chịu đựng sự kỳ thị như thế nào trong xã hội cũ. Là một người ăn chay, thờ Phật, chăm học Phật pháp, chàng kỹ sư công nghệ thích tổ chức những đêm văn nghệ Việt Nam để giữ gìn văn hóa quê Mẹ và tài tổ chức show của Dũng Taylor khi đó cũng được nhiều người biết tới ở hải ngoại.
Vào tháng 4 năm 2003, được sự giới thiệu của một người bạn. Dũng Taylor hẹn gặp Thu Phương tại nhà hàng ăn chay. Trong hoàn cảnh không ai dám mời chị hát vì còn nhiều điều nhạy cảm lúc đầu ở Mỹ thì Dũng Taylor đã dũng cảm mời Phương.
Ban đầu chỉ là mối quan hệ công việc nhưng dần dần họ tìm thấy ở nhau sự đồng cảm, chia sẻ... Sự nghiệp của Thu Phương được khẳng định nơi xứ người, tên tuổi của chị vang lừng. Ngoài tài năng, sự nỗ lực của bản thân thì Thu Phương còn có sự hậu thuẫn đắc lực từ người tri kỷ - Dũng Taylor
Vượt qua tất cả, họ gắn bó với nhau đã gần 20 năm và có với nhau 2 mặt con ( bé trai 13, bé gái 10 tuổi). Trong đáy mắt của Thu Phương ánh lên những tia lấp lánh khi nói về tổ ấm hiện tại:
“Ít nhất đến thời điểm này mình đã có một nơi để mỗi lần trở về thấy mình bình yên nhất, an tâm nhất. Anh Dũng hiểu công việc của Phương, yêu và thần tượng mình. Anh Dũng miệt mài chăm con, nấu nướng phục vụ, chăm sóc Phương. 24/24h suy nghĩ của anh ấy là Phương và gia đình. Anh Dũng tâm huyết như vậy vì cho rằng chính Phương và gia đình là sự nghiệp của anh ấy!”
Vẫn biết cuộc sống không phải hoàn nhưng những thứ hy sinh vì nhau lớn lao hơn nên những điều khác sẽ thành nhỏ bé và không đáng bận tâm. Khi hỏi vậy tại sao chị không đồng ý làm đám cưới với anh Dũng? Thu Phương nở một nụ cười hạnh phúc: “Mình thích là người yêu, vì là người yêu sẽ được chở đi ăn, được hẹn hò, sáng nào cũng được hỏi: Em có đồng ý cưới anh chưa”.
Và mối duyên lành với dòng nhạc của Việt Anh
Chính nhạc sĩ Việt Anh đã từng nhận xét về tiếng hát Thu Phương rằng: “Những vết thương tôi gửi gắm thì cô đều nhận ra. Trong bài hát của tôi thường có những chìa khóa, password, những bí mật chỉ thú vị với mình thì Thu Phương đều là người phát hiện”.
Hàng loạt các tác phẩm của Việt Anh viết ra dường như chỉ có tiếng hát của Thu Phương mới chuyển tải đầy đủ những ước mong mà tác giả gửi gắm… Hai chúng ta, Chưa bao giờ, Đêm nằm mơ phố, Hoa có vàng nơi ấy, Không còn mùa Thu…
Thu Phương đã dành một nửa số tuổi của mình để hát nhạc của Việt Anh. Mỗi lần hát vẫn như mới ngày hôm qua thì phải nói rằng chị rất yêu và hiểu nhạc của Việt Anh.
Việt Anh nói rằng “Tôi sáng tác những ca khúc của mình rất tự nhiên và phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc. Nhưng khi đưa cho Thu Phương hát thì tôi lại thấy hình như chúng thuộc về cô ấy!”
Còn người đàn bà hát thì khiêm tốn cho là “Tôi luôn thấy hạnh phúc và may mắn khi có những tác phẩm Việt Anh trong đời. Nếu không có những bài hát ấy, tôi luôn tự hỏi không biết mình sẽ là ai?”
Và Thu Phương sẽ thỏa sức vỗ về những cơn khát, những ẩn ức với cõi nhạc Việt Anh bằng chất allto đằm sâu, mặn mà của biển cả, bằng sự hóa thân, trải nghiệm của cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, đa đoan.