Người dân phấn khởi sắp có cao tốc TP HCM – Mộc Bài
Ngày 2-8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo hình thức hợp đồng BOT.
Tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài với với tổng chiều dài khoảng 51 km. Trong đó, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - TP HCM thuộc huyện Củ Chi, TP HCM; điểm cuối giao với Quốc lộ 22 (khoảng Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tuyến đường xây dựng theo Tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729 : 2012), phân kỳ đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 04 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh.
Thời gian làm dự án (thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện) từ năm 2024 đến năm 2027. Tổng mức đầu tư 19.617 tỉ đồng, dự kiến giải phóng mặt bằng khoảng 409,3 ha theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỉ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.491 tỉ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án.
Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 9.674 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Ngân sách trung ương khoảng 2.872 tỉ đồng và ngân sách địa phương (TP HCM) khoảng 6.802 tỉ đồng.
Với tổng mức đầu tư trên 19.600 tỉ đồng; thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện Dự án từ năm 2024 đến năm 2027; chia thành 04 dự án thành phần, cụ thể:
Dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). UBND TP HCM là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc. UBND TP HCM là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP HCM – Mộc Bài đoạn qua TP HCM. UBND TP HCM là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP HCM - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh. UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan chủ quản.
Chính phủ giao UBND TP HCM chủ trì, phối hợp các bộ ngành địa phương có liên quan và nhà thầu thi công triển khai. Xác định rõ nguồn vật liệu, quy mô, trữ lượng, công suất khai thác bảo đảm cung ứng đủ theo yêu cầu của dự án. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thành phần 1, 2, 3. Triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần và tổ chức triển khai dự án.
Tỉnh Tây Ninh tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thành phần 4, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án thành phần 4.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với 2 địa phương trong quá trình triển khai dự án, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc (nếu có) kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm để kịp thời tháo gỡ.
Dự án đường cao tốc TP HCM- Mộc Bài triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 22; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP HCM - Tây Ninh, phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP HCM- Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và Tây Ninh nói riêng và các tỉnh vùng Đông Nam bộ nói chung; tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng.
- Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao TPHCM đẩy mạnh quảng báo thương hiệu
- Quảng bá những sản phẩm tiềm năng của Đắk Lắk đến thị trường TPHCM