Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 24/06/2024, 10:17 (GMT+7)

'Dưới tán hoa siren': Ấm áp tình người nơi tuyết trắng

Những cuộc mưu sinh của người Việt trong “Dưới tán hoa siren” dẫu có những cảnh huống bi kịch, tréo ngoe hay tan nát đến tận cùng thì điều sau cùng đọng lại vẫn là tình người ấm áp, là sự bao dung và sẻ chia mà chắc chắn đi cả đời họ cũng khó để quên.

Bức tranh chân thực về cuộc mưu sinh của người Việt trên đất khách

Nhà văn Nguyễn Đình Lâm đến với văn chương khá muộn. Năm 2004 ông mới có tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn “Con kiến tật nguyền”, sau đó là “Tình yêu hàng chợ” (tập truyện ngắn 2005), “Mong manh xứ Bạch Dương” (tiểu thuyết 2009)… Mới đây, ông vừa ra mắt cuốn “Dưới tán hoa siren” - những truyện rất ngắn, được nhà văn chắt lọc để kết thúc sự nghiệp viết lách của mình. Vì thế, đây là cuốn ông tâm huyết và thích nhất.

nh 1
Nhà văn Nguyễn Đình Lâm, vừa ra mắt cuốn “Dưới tán hoa siren” - những truyện rất ngắn, được nhà văn chắt lọc để kết thúc sự nghiệp viết lách của mình

Là bởi, ở đó đều là những câu chuyện có nguyên mẫu là bạn, người thân gắn bó với ông trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt của thời cuộc. Mỗi câu chuyện là một cảnh đời, vui có, buồn có, bi kịch có… để rồi day dứt khôn nguôi về thân phận người Việt trên đất khách.

9 năm học tập và hơn 12 năm làm Tổng Giám đốc một trung tâm thương mại sầm uất của người Việt ở nước Nga, quản lý hàng nghìn con người đã cho đôi mắt nhiều thấu cảm của ông nhìn ra bao nhiêu chuyện đời éo le của người Việt trên xứ sở bạch dương tuyết trắng. Vì thế, truyện của Nguyễn Đình Lâm không cần phải thêm thắt, hư cấu thì chất hiện thực cũng đã ngồn ngộn.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng gọi đó là lối viết “nhúng bút vào sự thật”, là “rót biển vào chai” vì dùng hình tượng ngắn nhất nhưng truyền tải được nhiều nhất. Ông cũng cho biết, từng có gần 1.000 ngày sống trên đất Nga nên thấm thía từng câu chữ khi đọc truyện Nguyễn Đình Lâm.

“Dưới tán hoa siren”, “Chuyến buôn cuối cùng”, “Cuộc chiến lúc nửa đêm”, “Chuyến bay nhớ đời”… trong tập truyện mang đến bức tranh khá sống động về giai đoạn những năm 80-90 của những nghiên cứu sinh, người lao động Việt tìm kiếm giấc mơ đổi đời ở Nga.

z5419630104955-6aa1e86e64
Truyện ngắn đầu tiên và cũng là tựa cuốn sách - Dưới tán hoa siren - là câu chuyện về những sinh viên người Việt không đi nghỉ dưỡng miễn phí như các sinh viên nước khác vào mùa hè.

Truyện ngắn đầu tiên và cũng là tựa cuốn sách - Dưới tán hoa siren - là câu chuyện về những sinh viên người Việt không đi nghỉ dưỡng miễn phí như các sinh viên nước khác vào mùa hè. Thay vào đó, họ tận dụng thời gian này để đi làm kiếm tiền gửi về Việt Nam cho gia đình. Tâm là sinh viên nước ngoài duy nhất chấp nhận làm công việc nặng nhọc nhất: phụ hồ xây dựng. Thế nhưng khi về thăm quê, họ phải sống với cái mác “đi Tây”, học làm sang để không bị xóm giềng khinh khi (Cuốn nhật ký để lại, Lánh nạn).

Trong “Chuyến buôn cuối cùng”, những đồng rup mà sinh viên Việt Nam kiếm được còn xót xa hơn. Để không bị công an phát hiện vì buôn lậu, nguy cơ không chỉ bị mất tiền mà còn bị trục suất về nước, Tâm đã phải cho chiếc đồng hồ vào miệng ngậm chặt để không phát ra tiếng kêu… “Tâm cảm thấy như chết đi sống lại khi tiếng bước chân nặng nề của mấy ông công an xa dần… Anh nằm ngửa há miệng ra thở và lấy chiếc đồng hồ ra. Tâm giật mình khi thấy quai đồng hồ không còn màu trắng mà thành màu đỏ tươi, trong miệng có vị mằn mặn, nhìn kỹ thì dây đồng hồ toàn là máu…”; Là chi tiết đối nghịch khi Tâm cầm gói tiền từ chuyến buôn trót lọt đầu tiên, trong lòng hân hoan với những món hàng tiêu dùng quy đổi là tủ lạnh và dăm cái bàn là… thì về đến trường là hay tin lớp trưởng của anh bị công an bắt giam và chuẩn bị trục xuất về nước do buôn bán ngoại tệ.

Cảm giác sợ hãi, bất an, nguy hiểm trong công cuộc mưu sinh cứ lớn dần lên tương ứng với quy mô của những chuyến hàng. “Cuộc chiến lúc nửa đêm”, “Chuyến bay nhớ đời”… là những ranh giới mong manh, được hay mất, trắng tay hay đổi đời… tất cả có khi chỉ ấn định sau một cái chớp mắt của đêm. Gánh nặng mưu sinh và những kỳ vọng ở quê nhà khiến họ nhiều phen phải đặt mình vào lựa chọn sinh tử: cần tiền hơn cần mạng.

Nhưng đằng sau những câu chuyện mà nhìn vào người ta có thể thấy là cay đắng, là bi kịch, những cảnh huống bi kịch, dở khóc dở cười hay tan nát đến tận cùng thì vẫn đọng lại là tình người ấm áp mà chắc chắn đi cả đời họ cũng không thể nào quên.

Đó là câu chuyện đẹp của đôi bạn trẻ yêu nhau, chấp nhận cả hai bị đuổi việc, chấp nhận rủi ro để giữ phẩm giá như một bông hồng đỏ đẹp nở nơi tuyết trắng, để sau này có cuộc sống tốt hơn (Khổ tận cam lai).

Hay câu chuyện xót thương, cảm thông cho những cô gái hiền lương sang nước ngoài mong được đổi đời lại bị dòng đời xô đẩy, sa cơ lỡ bước buộc phải bán thân để tồn tại (Mẹ ơi con xin lỗi); Là câu chuyện “tréo ngoe”: Cô gái bị bạn trai giam giữ để đòi lại số tiền 2.000 đô, dẫn đến cả hai phải vào đồn cảnh sát… Giữa lúc bơ vơ tuyệt vọng thì những bàn tay đã chìa ra. Dù rất tức giận nhưng Tâm và những người đồng hương đã quyên góp tiền để giúp cô gái về quê thăm gia đình, còn anh người yêu cũng thoát án tù nhờ vào sự bảo lãnh của Tâm… (Giải cứu).

“Dưới tán hoa siren là bản thu gọn số phận mỗi kiếp người”

16 truyện ngắn của Nguyễn Đình Lâm không nặng về phô diễn văn chương, bút pháp. Ông kể bằng giọng văn dung dị, đời thường, để ai cũng có thể thấu cảm.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng truyện ngắn của Nguyễn Đình Lâm không có bút pháp đặc biệt nhưng dù bút pháp hay thi pháp gì thì cái cuối cùng mà người viết cần chạm tới vẫn là sự rung cảm ở độc giả: “Đọc truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm, người ta sẽ thấy mình yêu thương nhiều hơn bạn bè mình, đồng bào mình, đồng hương mình, những người đồng cảnh ngộ... Trong văn học, để phản ánh cuộc sống con người, nếu chọn được lối văn học chạm tới được niềm hạnh phúc cũng tốt, nhưng đặc biệt là chạm tới những cực nhọc, vất vả, cơ hàn... Nguyễn Đình Lâm đã chú ý tới những điều đó. Như vậy, giá trị tác phẩm nhiều khi không chỉ là thi pháp, phương pháp sáng tác, mà giá trị ở sự chân thực”.

nh 2
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì cảm nhận: “Tôi có những người thân từng sống, làm việc và lao động ở nước Nga nên khi đọc ‘Dưới tán hoa siren’, tôi như nhìn thấy họ trong sự bất trắc, trong nỗi tuyệt vọng, trong giá lạnh tuyết trắng và nỗi buồn dằng dặc xa cố hương mà trước đó mình không hề biết.

Còn Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì cảm nhận: “Tôi có những người thân từng sống, làm việc và lao động ở nước Nga nên khi đọc ‘Dưới tán hoa siren’, tôi như nhìn thấy họ trong sự bất trắc, trong nỗi tuyệt vọng, trong giá lạnh tuyết trắng và nỗi buồn dằng dặc xa cố hương mà trước đó mình không hề biết.

Anh viết bằng lối viết rất giản dị, xúc tích, đi thẳng vào vấn đề và nếu không có nhà văn bước đến thì những số phận ấy sẽ trôi đi, thậm chí bị lãng quên. Dù những người thân của tôi không có tên trong cuốn sách nhưng tôi thấy tất cả họ ở đó, bởi vì nhân vật trong truyện của Nguyễn Đình Lâm là bản thu gọn số phận mỗi kiếp người”.

Dù tác giả khẳng định cuốn sách là dấu ấn đẹp khép lại hành trình văn chương sau 16 năm nhưng nhiều người bạn của ông lại “chắc nịch” rằng Tiến sĩ sử học này khó mà “rửa tay gác kiếm”. Với vốn sống gần 20 năm ở nước Nga, “món nợ” với chính những năm tháng vất vả của mình nơi xứ người và của bạn bè ông, của những người ông biết, vẫn còn nặng tình vương vấn lắm…

Cùng chuyên mục