Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng khoảng 5-6%
Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa có cuộc họp thảo luận về phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, dự kiến mức lương tối thiểu vùng là 5-6%.
Sáng nay 9/8, tại tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có cuộc họp phiên thứ nhất năm 2023 để thảo luận và đưa ra phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động.
Chủ trì cuộc họp có ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc và đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, trong bối cảnh đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao so với trước đây.
Theo ông Quảng, trước phiên họp này công đoàn đã khảo sát đời sống người lao động tại 200 doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh. Theo kết quả cho thấy 75% người được khảo sát cho biết thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi tiêu và 17,3% số người tham gia khảo sát phải vay tiền chi tiêu.
Theo tính toán của người lao động, tiền thuê nhà bình quân trên 1,8 triệu/tháng, lương thực chỉ chiếm 34,5%, phi lương thực 68,5%. Trong khi đó, thời gian điều chỉnh tiền lương theo nghị định 38 là 1,5 năm nên người lao động muốn tăng lương từ đầu năm 2024 với mức trên 11%.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Đây là thời điểm cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động cũng cần được điều chỉnh tiền lương để bù đắp phần trượt giá, cải thiện một phần đời sống. Cho nên việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo chỉ số giá tiêu dùng cần thiết cho người lao động, công đoàn mong muốn mức tăng lương tối thiểu vùng từ 5-6%.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, doanh nghiệp mong muốn có nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải gồng mình để duy trì việc làm, cho nên điều chỉnh ngay lúc này chưa hợp lý.
Cũng theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện với gần 3.000 lao động ở 4 vùng với các loại hình doanh nghiệp cho thấy 17,3% công nhân lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ. Thu nhập trung bình của 2.982 lao động được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ, 23,3% đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Có 24,5% lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.