Thứ bảy, 06/04/2024, 14:53 (GMT+7)

Cần Thơ: Tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững

Quan tâm tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững là mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành phố Cần Thơ từng giai đoạn. Các ngành, các cấp chính quyền tập trung nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống hộ nghèo, cận nghèo, diện bảo trợ xã hội.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân về công tác giảm nghèo, chính sách đối với người nghèo, các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm nhân rộng mô hình sinh kế giảm nghèo, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình đăng ký mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu trái cây, hỗ trợ phòng trừ chuột; “kỹ thuật canh tác lúa sạch - hữu cơ”; đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số…. trong thực hiện Chương trình.

Hàng năm, nhiều chính sách trợ giúp về nhà ở, dạy nghề, y tế, giáo dục, vay vốn… được triển khai đồng loạt tại các quận, huyện, giúp hộ nghèo từng bước nâng cao mức sống.

IMG_6635
Lãnh đạo TP Cần Thơ trao tặng nhà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn

Chị Trương Thị Ức ở khu vực Phúc Lộc 3, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, hộ mới thoát nghèo cuối năm 2022, bày tỏ: “Những năm qua, gia đình tôi từng được hỗ trợ xây nhà ở khang trang, vay vốn trồng rau màu, bán điểm tâm, giúp tăng thu nhập. Nhờ vậy, đời sống gia đình ngày thêm khởi sắc”. 

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, năm 2023, thành phố duy trì 31 mô hình sinh kế tập trung mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hoá để người nghèo tiếp cận và tham gia; mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo, với gần 300 hộ tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024, Cần Thơ phấn đấu giảm 0,06% tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,15% so với hộ dân. Đồng thời, thành phố tiếp tục nhân rộng và xây dựng thêm các mô hình sinh kế, giảm nghèo, chú trọng kết hợp các hình thức dạy nghề gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất… Trong đó, nổi bật huyện Thới Lai đang duy trì hoạt động 10 mô hình sinh kế, giảm nghèo, phối hợp đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề phù hợp, mở rộng sản xuất, hỗ trợ vay vốn ưu đãi trên 2,9 tỉ đồng, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định. Huyện tiếp tục chỉ đạo mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình sinh kế, giảm nghèo và có kế hoạch nhân rộng.

IMG_7661
TS.Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ

Theo TS.Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, song song triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, các quận, huyện chú trọng tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND, trong đó, nhấn mạnh các chính sách để người dân kịp thời nắm bắt, hiểu biết, đồng thuận trong triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp rà soát, tổng hợp chính xác số hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện thụ hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị quyết. Qua đó, đảm bảo quyền lợi chính đáng của hộ nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong xu thế phát triển và hội nhập.

Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025; trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo.

Và đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện Phong trào “Cần Thơ chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau và công tác an sinh xã hội”; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền; ưu tiên hình thức truyền thông, tuyên truyền có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại ấp, khu vực; biểu dương các tổ chức, cá nhân, hộ nghèo điển hình, có thành tích đóng góp trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Lồng ghép thực hiện dạy nghề cho người nghèo thuộc hộ nghèo, hộ cận nhằm giúp cho người nghèo thuận lợi trong tiếp cận việc làm hoặc tự tạo việc làm tại địa phương; thực hiện đào tạo nghề gắn với giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cùng chuyên mục