2 tiếng đồng hồ viết nên cuốn tự truyện cuộc đời bằng âm nhạc đầy màu sắc của NSƯT Tố Nga
Liveshow khép lại với bản hoà ca "Dòng sông đa tình" của các nghệ sĩ đem đến một cái kết đầu cuối tương ứng trọn vẹn như một vòng tròn đẹp đẽ, cuốn người xem mãi trong vòng xoáy dư âm.
Giống như dư vị của chè xanh xứ Nghệ, liveshow “Dòng sông đa tình” kỷ niệm 30 năm ca hát của NSƯT Tố Nga diễn ra tối ngày 18/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã đọng lại những ngọt ngào, lưu luyến mãi không thôi. Đó cũng là cảm nhận chung của khán giả khi theo dõi cuốn tự truyện cuộc đời bằng âm nhạc này dcủa chị, rằng đời Tố Nga cũng như bát nước chè xanh, đi qua chát mặn mới đến ngọt ngào. Ấy là những ngọt ngào xứng đáng và giá trị.
Trong vòng tay của khán giả, người thân và đông đảo những nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, đàn em dưới hàng ghế khán giả theo dõi…, NSƯT Tố Nga đã vô cùng thăng hoa trong liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát của mình, đem đến cho khán giả bữa tiệc cảm xúc thịnh soạn, nhiều sắc màu, bên cạnh đó là những yếu tố độc bản, lần đầu tiên trình diện khán giả.
Trong 2 tiếng đồng hồ diễn ra, với 20 ca khúc, bằng sự tài hoa, khéo léo của mình trong biên tập, chọn lựa ca khúc trình diễn, Tố Nga đã kể cho người nghe trọn vẹn về dòng sông đời mình qua 30 năm. Đó là dòng sông có những trong trẻo, đầy khát vọng, có những khúc trầm, những đêm đen giông gió tả tơi để rồi cập bến bình an với những hoan ca, ngọt ngào. Tố Nga từng nói, chị không biết tương lai thế nào, ra sao, nhưng lúc này chị hài lòng với hiện tại, hiểu sâu sắc giá trị của bình an và chị mang tâm thế ấy vào liveshow của mình để chầm chậm kể hành trình đời mình.
Hành trình ấy được bắt đầu với ca khúc chủ đề "Dòng sông đa tình" của nhạc sĩ An Thuyên. MC Lê Anh trên sân khấu nhớ lại nhiều năm trước, anh và Tố Nga thường cùng nhau đi diễn ở các quán nhạc sinh viên để kiếm sống, Tố Nga hát rất nhiều bài, nhưng mỗi khi cất giọng “Cắt nửa vầng trăng” là cả quán nhạc dường như… ngưng thở để nghe. Ngay sau đó, Tố Nga đã thật sự khiến khán giả say đắm như lời lê Anh khi thể hiện loạt ca khúc mang âm hưởng dân gian miền Trung. Trong đó, có những ca khúc đã đóng đinh với tên tuổi chị, đặc biệt là “Hà Tĩnh mình thương”- ca khúc đã giúp chị nhận được Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc trước đây, cũng là ca khúc đưa chị đến với danh hiệu NSƯT.
Cùng với "Hà Tĩnh mình thương" (An Thuyên), "Về xứ Nghệ cùng em" (Xuân Hoà), "Ca dao em và tôi" (An Thuyên), "Quê hương em là núi Hồng, sông Lam" (Vũ Quốc Nam), Tố Nga đã đưa khán giả đến với không gian của những thanh âm dân gian xứ Nghệ, của dòng nhạc đã định nghĩa tâm hồn và đem đến thành công nhiều nhất cho chị.
Với chùm ca khúc quen thuộc này, Tố Nga hát như hơi thở, với máu thịt và tình yêu dành cho quê hương. Cái hay trong lần trình diễn này còn đến từ các bản phối bắt tai với dàn dây vừa truyền thống lại vừa trẻ trung, hiện đại. Một lần nữa, Tố Nga và êkip cho thấy sự sáng tạo là vô bờ bến, vẫn là Tố Nga quen thuộc của Hà Tĩnh, của miền Trung đấy nhưng đầy mới mẻ và thú vị.
Cuốn tự truyện cuộc đời bằng âm nhạc của Tố Nga được tiếp tục với một “quãng sông” đầy tươi trẻ, trong trẻo, vô tư, hồn nhiên và khát vọng. Đó là thời chị đam mê nghệ thuật, mê hát và… mê Quang Linh cùng những ca khúc hit của anh. Có thể nói, phần trình diễn này đã thể hiện ước lệ được những ngày vui tươi, đầy hoài bão tuổi trẻ của Tố Nga. Trên sân khấu “Dòng sông đa tình”, lần đầu tiên khán giả được chứng kiến sự kết hợp của Tố Nga và Quang Linh. Trước đó, Tố Nga chia sẻ, Quang Linh là người kỹ tính. Vì thế, nữ ca sĩ phải thông qua vài người bạn mới nhận được cái gật đầu xuất hiện trong show “Dòng sông đa tình” của mình. Thế nhưng, khi nhận lời rồi thì nam nghệ sĩ lại yêu mến luôn tiếng hát Tố Nga và còn chia sẻ sẵn sàng làm album chung để hai người có thể nối dài những kết hợp nghệ thuật với nhau khi đàn em ngỏ lời đề nghị. Tiếng hát chim đa đa (Võ Đông Điền) là ca khúc được hai giọng hát lựa chọn để song ca. Với bản phối mới, trên nền sáo trúc du dương dìu dặt của Nhạc trưởng, nghệ sĩ Đồng Quang Vinh, hai nghệ sĩ mang đến một phần trình diễn khác hẳn so với những lần nam ca sĩ xứ Huế solo. Ca khúc được trình bày với sự từng trải, bản lĩnh của hai nghệ sĩ nên như thủ thỉ kể câu chuyện tình dang dở, có những xót xa, luyến nhớ.
Trên sân khấu, Quang Linh nói, nhận được lời mời của Tố Nga anh rất xúc động và trân trọng. Trân trọng sự làm nghề máu lửa đam mê của Tố Nga. Anh cũng dành nhiều lời khen ngợi cho giọng hát đàn em khi ngồi dưới hàng ghế khán gỉa để xem. Đó là giọng hát hay, mượt, có độ dày nhất định, mang nặng tình cảm của người miền Trung.
Với vai trò khách mời, Quang Linh đưa khán giả trở về với khung trời kỷ niệm cùng những giai âm quen thuộc của Thủa ban đầu (Nhất Sinh), Thuyền hoa (Phạm Thế Mỹ) có giai điệu tươi vui, rộn ràng với âm hưởng Nam Bộ để chuyển biên độ cảm xúc của khán giả sang trạng thái mới, làm sôi động khán phòng.
"Mong manh em" (Phạm Phương Thảo), "Lệ úa" (Huy Phương), "Chơi vơi" (Vũ Quốc Nam) mang đến một màu sắc khác của Tố Nga, điều mà không nhiều khán giả biết, đồng thời giúp khắc họa rõ nét một Tố Nga của những năm tháng ấy đầy đau khổ, khát khao. Như NSND Quang Vinh từng ví, Tố Nga như con còng cát cứ cố ngoi lên tìm lấy không khí trong lành, yên ả trên mặt đất, lại bị sóng cát đánh xô, vùi dập. Ở phần này, ekip đã khai thác một chiều sâu đặc biệt trong giọng hát Tố Nga với những bản phối tiết giảm nhạc cụ, lấy tiếng hát Tố Nga làm trọng tâm, nhằm lột tả hết được nỗi niềm của người hát. Khán giả nhìn thấy những đau khổ của Tố Nga trong đoạn đời ấy, thấy những khát khao vượt thoát, những ước vọng tình yêu.
Tự truyện cuộc đời của Tố Nga tiếp tục kể với khán giả về “con còng cát” Tố Nga sau những đau khổ đã cố tìm cách bứt phá, vượt thoát ra sao. Trên sân khấu, những đoạn clip về hành trình đi làm thiện nguyện của Tố Nga được trình chiếu. Đó hoàn toàn không phải là Tố Nga khoe những việc làm ý nghĩa của mình, mà như MC Lê Anh nói, đi làm thiện nguyện chính là cách để Tố Nga bước qua khổ đau. Chị đến với những mảnh đời bất hạnh, đến với những khó nhọc của đời người để hiểu rằng những gì mình đang trải qua là nhỏ bé, chị đưa bàn tay mình nắm lấy những bàn tay cơ cực để rồi nhận lại là hơi ấm từ họ, để thấy mình vẫn đang sống cuộc đời thật ý nghĩa, đáng sống.
Nhằm khắc hoạ hành trình này, cũng là phần việc mà cuộc đời Tố Nga luôn chú tâm thực hiện, những ca khúc đặc biệt đã được trình diễn gây ấn tượng rất mạnh đối với khán giả. Rất nhiều khán giả sau show diễn, vẫn cảm thấy gai người, muốn rơi nước mắt khi nhớ lại phần thể hiện ca khúc “Chị đi tìm em” (Vũ Quốc Việt) của Tố Nga.
Ca khúc "Chị đi tìm em" nói về sự mong manh của số phận con người trong bão lũ. Phần trình diễn được xây dựng theo dạng nhạc kịch với hình ảnh cơn bão cuồng phong quét qua miền Trung quê mình. Giọng hát của Tố Nga như gom hết tất cả những cảm xúc chị từng chứng kiến trên hành trình thiện nguyện, đầy đau thương, đồng cảm, xót xa cùng phần nhạc kịch phụ hoạ cảm động và hiệu ứng visual đầy nghệ thuật đã cùng cộng hưởng, tạo nên một phần trình diễn làm khán giả rơi nước mắt, như thấy mình đang ở trong chính cơn cuồng bão khốc liệt miền Trung, bi thương đến tận cùng.
Khán giả ngay sau đó được thoát ra khỏi xúc cảm bi thương ấy với sự xuất hiện của khách mời- Quán quân Sao mai dòng nhạc dân gian 2022 Lê Minh Ngọc cùng phần song ca trong "Điều không thể mất" (Ngọc Châu). Ca khúc chuyên chở ý nghĩa về tình mẫu tử, cũng là điều Tố Nga muốn gửi gắm trong cuốn tự truyện cuộc đời này. Không chỉ đó là tình mẫu tử đưa Tố Nga vượt thoát được chặng đường đời tăm tối, mà đó còn là sự nối dài của ý nghĩa sống của hôm nay và ngày mai như dòng sông chảy mãi, chảy mãi để bồi đắp nên những phù sa. Lê Minh Ngọc thể hiện “Sông ơi chảy mãi” (Nguyễn Vĩnh Tiến), một ca khúc cô đã thành công ở Sao mai. Sự xuất hiện của Lê Minh Ngọc trong liveshow của Tố Nga mang ý nghĩa tiếp nối thế hệ, nối dài dòng nhạc.
Liveshow khép lại với bản hoà ca "Dòng sông đa tình" của các nghệ sĩ đem đến một cái kết đầu cuối tương ứng trọn vẹn như một vòng tròn đẹp đẽ, cuốn người xem mãi trong vòng xoáy dư âm.