Thủ đoạn đòi nợ 'thâm độc' đến từ các công ty tài chính
Khủng bố điện thoại, chửi bới, đe dọa,… chỉ là một trong số những thủ đoạn đòi nợ mà các công ty tài chính đang triển khai. Không chỉ là cảm giác khó chịu, nhiều người đã thật sự bị ám ảnh, trầm cảm bởi những màn tra tấn dù mình chả liên quan.
Không hề vay nhưng vẫn bị gọi đòi nợ
Chị Minh Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc kể lại: “Cứ sáng sớm là những số máy lạ lại liên tục gọi đến cho tôi để đòi tiền, hỏi tôi có quen anh A, chị B gì hay không? Tôi bảo không nhưng họ cứ nhất định khẳng định là có rồi đòi tôi trả tiền”.
Chị Thu chỉ là một trong số hàng trăm nghìn nạn nhân bị ảnh hưởng bởi những cuộc điện thoại đòi nợ. Trong số những người bị gọi điện khủng bố, có người thật sự là người quen của người vay tiền, nhưng có những người chả có lấy một chút quen biết gì.
Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng mới chỉ là bước đầu cho những thủ đoạn “thâm độc” về sau của những công ty tài chính. Trao đổi với chúng tôi, anh Đăng Khôi (Ba Đình, Hà Nội) không giấu nổi sự lo lắng: “Khi tôi nghe máy thì đầu dây bên kia phát ra những tiếng chửi rất tục tĩu, thậm chí còn dọa bắt cóc, giết cả con tôi. Đáng sợ hơn là những thông tin cá nhân của tôi lại bị họ nắm rất rõ”...
Theo các nguồn thông tin, khi vay tiền tại các công ty tài chính, người vay tiền sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, truy cập danh bạ và khai báo số điện thoại của những người thân quen. Trong trường hợp chậm trả tiền nợ hoặc tiền lãi hay không liên lạc được với người vay tiền, nhân viên thu nợ sẽ tiến hành gọi điện trực tiếp đến những số điện thoại liên quan.
Điều này lý giải về việc rất nhiều người không bị vay tiền nhưng vẫn bị đội đòi nợ thuê khủng bố tới mức hoảng loạn, khủng hoảng tâm lý. Đáng sợ hơn, nhiều công ty tài chính còn chế hình ảnh hay clip để bôi nhọ những người chả có một chút liên quan đến người đi vay tiền và đăng tải lên mạng xã hội.
Lo lắng, bất an dù mình vô can
Cả chị Minh Thu và anh Đăng Khôi đều cảm thấy vô cùng lo lắng, bất an vì liên tục bị làm phiền. Không chỉ cuộc sống bị đảo lộn mà công việc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tâm trí không thể tập trung 100%.
“Thậm chí đêm ngủ tôi còn nằm mơ bị gọi điện khủng bố. Đi làm mà tôi lúc nào cũng phải kiểm tra xem con có đang được an toàn không vì sợ các đối tượng đòi nợ manh động. Không hiểu tại sao mình chả làm gì sai mà vẫn bị làm phiền như vậy”, anh Khôi lo lắng.
Đối với những người tâm lý yếu hơn thì tình trạng còn tệ hơn rất nhiều, thậm chí nhiều trường hợp còn rơi vào trạng thái trầm cảm. Rất nhiều người sau đó còn phải thăm khám và sử dụng các loại thuốc điều trị.
Theo tiết lộ của nhiều nạn nhân “vô can”, họ đã phải bỏ ra một số khoản tiền để các đối tượng dừng lại hoạt động khủng bố điện thoại. Đối với những người đang kinh doanh hoặc có tầm ảnh hưởng, việc “vô duyên vô cớ” bị đăng tải hình ảnh cá nhân cùng những câu chuyện bịa đặt sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng đã vào cuộc
Trước thực trạng nhức nhối trên, lực lượng chức năng đã liên tục triệt phá các đường dây hoặc công ty tài chính bị phản ánh có dấu hiệu khủng bố, đòi nợ. Mới đây, công an quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khám xét Công ty tài chính F88 do có liên quan đến hành vi đòi nợ theo kiểu “cưỡng đoạt tài sản”.
Cùng với đó, công an cũng đã khởi tố một số vụ án như: 26 bị can là nhân viên Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset và chi nhánh Công ty Luật TNHH Power Law về tội “vu khống”, 13 bị can tại Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại quốc tế PL và Công ty TNHH TVX Group về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính, tại điểm đ, Khoản 2, Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN nêu rõ:
- Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật.
- Không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày.
- Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ.
- Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vi phạm quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ như đe dọa, quấy rối hoặc thúc giục người quen của bên vay trả nợ thay… Công ty tài chính có thể bị phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Như vậy, hành vi khủng bố tin nhắn, điện thoại với những người không có nghĩa vụ trả nợ là hành vi trái pháp luật. Khi gặp phải trường hợp này, các bạn có thể soạn các đơn khiếu nại hoặc đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xử lý một cách nhanh chóng nhất.