Quy định mới nhất về mở cửa xe ô tô, hàng triệu tài xế cần lưu ý để tránh bị phạt
Từ 1/1/2025, quy định về mở cửa xe ô tô đã có sự thay đổi, các tài xế cần biết để đảm bảo an toàn và tránh bị phạt.
Quy định mới về mở cửa xe ô tô từ 2025
Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định mở cửa xe ô tô theo Điều 18 là không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
Sang tới Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, Điều 19 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã có sự thay đổi.
Cụ thể, chỉ được mở cửa xe khi xe đã dừng, đỗ. Trước khi mở cửa xe, người mở cửa phải quan sát phía trước, phía sau và bên phía mở cửa xe, khi thấy an toàn mới được mở cửa xe, ra khỏi xe; không để cửa xe mở nếu không bảo đảm an toàn.
Như vậy, từ 1/1/2025, người lái ô tô chỉ được mở cửa xe khi xe đã dừng, đỗ, người mở cửa phải quan sát phía trước, phía sau. Việc mở cửa xe không quan sát sẽ bị xử phạt theo quy định.
Mở cửa xe không quan sát bị phạt thế nào?
Theo điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/NĐ-CP/2019 quy định về việc xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, trong đó hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 400.000 - 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo tại mục b Khoản 2 Điều 32 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, hành khách đi xe ô tô mà có hành vi đu bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên nóc xe, mui xe; tự ý mở cửa hoặc có hành vi không đảm bảo an toàn khi xe chạy cũng sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng
Như vậy, khi mở cửa xe, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, người lái xe khi dừng hoặc đỗ xe phải chú ý quan sát và chỉ được phép mở cửa xe khi đã xem xét đủ điều kiện an toàn cho những người tham gia giao thông khác và bản thân mình.
Mở cửa xe gây tai nạn bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, mở cửa ô tô không quan sát gây tai nạn sẽ bị xử phạt hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 01 - 05 năm:
+ Làm chết 01 người.
+ Gây thương tích, tổn hại sức khỏe với tổng tỷ lệ tổn thương 61% trở lên cho 01 người hoặc từ 61% - 121% của 02 người trở lên.
+ Thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng.
- Phạt tù từ 03 - 10 năm:
+ Làm chết 02 người hoặc gây thương tích cho 02 người với tỷ lệ tổn thương từ 122% - 200%.
+ Gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu – 1,5 tỷ đồng.
+ Bỏ chạy để trốn trách nhiệm hoặc cố ý không giúp người bị nạn.
- Phạt tù từ 07 - 15 năm:
+ Làm chết 03 người trở lên.
+ Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương từ 201% trở lên.
+ Thiệt hại tài sản hơn 1,5 tỷ đồng.
Đồng thời, người phạm tội có thể sẽ bị cấm đảm nhận chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Bên cạnh đó, người mở cửa xe gây tai nạn còn bị tước giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng theo quy định tại Điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.