Thứ ba, 01/04/2025
logo
Cần biết

Bẫy lừa “phạt nguội”

Pha Lê Thứ bảy, 29/03/2025, 08:36 (GMT+7)

Trước những cuộc gọi thông báo phạt nguội từ số điện thoại lạ, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, ghi nhận thông tin và chia sẻ với người thân để cảnh giác. Đồng thời, người dân nên liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để xác minh và báo cáo vụ việc, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo.

Từ 1/1: Người lái xe vượt đèn đỏ bị CSGT xử phạt tới 20 triệu đồng, nếu đèn trục trặc thì có phạt không?

Chi tiết mức phạt vi phạm nồng độ cồn năm 2025, người lái ô tô, xe máy cần biết để tránh bị phạt nặng và đảm bảo an toàn giao thông

Thực hư thông tin lỗi phạt nguội sẽ tự động được xóa sau 1 năm nếu chưa nộp phạt

Mới đây, anh L.H.P nhận được một cuộc gọi từ kẻ giả mạo cán bộ đội cảnh sát giao thông. Đối tượng thông báo rằng lực lượng chức năng đã ghi nhận anh điều khiển xe máy với hành vi lạng lách, “đánh võng”. Đồng thời, kẻ lừa đảo cho biết mức phạt dao động từ 6 đến 8 triệu đồng và anh có thể bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Để tạo sự tin tưởng, đối tượng còn trích dẫn nhiều điều khoản pháp luật làm căn cứ và yêu cầu anh truy cập vào một đường link để cập nhật thông tin và nộp phạt. Tuy nhiên, khi đến cơ quan chức năng để xác minh, anh mới phát hiện mình đã bị lừa. 

Để tạo sự tin tưởng, đối tượng còn trích dẫn nhiều điều khoản pháp luật làm căn cứ và yêu cầu anh truy cập vào một đường link để cập nhật thông tin và nộp phạt.

Tương tự, ông N.V.Đ cũng bị chiếm đoạt 5 triệu đồng bằng thủ đoạn trên. Cụ thể, khi nhận cuộc gọi, ông tỏ ra lo lắng và bất ngờ. Lợi dụng tâm lý này, đối tượng yêu cầu ông chuyển tiền vào tài khoản chỉ định hoặc cung cấp mã OTP để thực hiện giao dịch với vỏ bọc “xác minh điều tra xử lý phạt nguội”.

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết: “Phạt nguội là một quy định có thật và hiện đang được áp dụng thí điểm trên một số tuyến đường và địa phương. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng quy định này để thực hiện hành vi lừa đảo như gọi điện thoại, gửi tin nhắn hoặc gửi đường link giả mạo qua mạng xã hội, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài sản. Khi người dân nhấp vào các đường link này, thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp, thậm chí bị cài mã độc, gây mất quyền kiểm soát tài khoản trên điện thoại”.

Là thủ đoạn lừa đảo xuất hiện từ năm 2021, sau một thời gian tạm lắng, chiêu trò giả danh cảnh sát giao thông “thông báo phạt nguội” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện trở lại, khiến nhiều nạn nhân tiếp tục “sập bẫy”.

Luật sư Phan Quang Thắng (Công ty TNHH Pháp lý Giải pháp Tài chính GNHA) khuyến cáo: “Trước những cuộc gọi thông báo phạt nguội từ số điện thoại lạ, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, ghi nhận thông tin và chia sẻ với người thân để cảnh giác. Đồng thời, người dân nên liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để xác minh và báo cáo vụ việc, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo”.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp nạn nhân bị lừa đảo thông qua thủ đoạn nói trên, đặc điểm chung là các đối tượng đều tự xưng là CSGT thông báo hành vi vi phạm giao thông qua các kênh viễn thông như cuộc gọi, tin nhắn. Những người nhẹ dạ, thiếu cảnh giác dễ dàng trở thành “con mồi” cho kẻ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, việc người dân không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng cũng là nguyên nhân chính khiến bản thân bị “sập bẫy”.

Một trong những nguyên tắc quan trọng mà người dân chưa nắm rõ là cơ quan Công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi cần làm việc, cơ quan Công an sẽ gửi thông báo bằng văn bản. Theo Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định rõ, các trường hợp vi phạm “phạt nguội” đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an. Như vậy không có chuyện gọi điện, nhắn tin qua điện thoại thông báo vi phạm.

Nếu không thể trực tiếp đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính, người dân có thể đến trụ sở Công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính. Thông báo vi phạm có thể được gửi bằng văn bản giấy hoặc phương thức điện tử, nếu đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, thông tin vi phạm sẽ được đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT, Bộ Công an để người dân có thể tra cứu và thực hiện việc xử phạt.

Do đó, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào; không truy cập vào các đường dẫn lạ. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để lực lượng Công an có biện pháp xử lý kịp thời. Việc nắm rõ quy trình “phạt nguội” sẽ giúp người dân tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục