Hành trình 2 thập kỷ những 'cánh sóng' truyền hình VTC
Ngày 12/8, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC sẽ trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập, đây là khởi đầu cho tuần lễ kỷ niệm sự kiện tròn 20 tuổi của VTC.
Thành lập ngày 19/8/2004 với 50 cán bộ, phóng viên… trong đó có nhiều người từ các cơ quan báo chí khác chuyển về, Ban Biên tập Truyền hình Kỹ thuật số VTC được đặt trong Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC nhằm ứng dụng, thử nghiệm kỹ thuật số trong phát sóng truyền hình.
Từ dấu mốc đó cho đến nay vừa tròn 20 năm, "cánh sóng" của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài VTC) đã trở nên thân thuộc với hàng triệu triệu khán giả. VTC trở thành thương hiệu, là hình ảnh văn hoá, là niềm tin, tự hào về một Đài Truyền hình tầm quốc gia trong lòng người dân đất Việt.
Trở về với lịch sử, sự xuất hiện của Đài VTC vào những năm đầu thế kỷ XXI đã tạo ra làn gió mới cả về công nghệ và nội dung cho ngành truyền hình tại Việt Nam.
Vào thời điểm đó, công nghệ truyền hình số tạo ra "cuộc cách mạng" về truyền dẫn, phát sóng khi chỉ với một "chiếc hộp nhỏ bé", khán giả tại Việt Nam có thể thưởng thức hàng chục kênh truyền hình với hình ảnh rõ nét, âm thanh trung thực. Từ đó, những dàn ăng-ten trên cao dần biến mất và những chiếc tivi CRT với "màn hình muỗi" đặc trưng dần được thay thế.
Cũng vào thời điểm đó, các chương trình đặc sắc, trẻ trung do VTC sản xuất lần đầu tiên đến với công chúng và nhận về sự ủng hộ, yêu mến bởi phong cách mới lạ, ý tưởng sáng tạo và phương pháp tác nghiệp hiện đại. Cũng từ đó, VTC dần chiếm chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả cả nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá: "Chương trình của Đài VTC rất sinh động, mang nhiều ưu điểm của công nghệ số. Tôi mừng vì với sự đi đầu của VTC, chúng ta có truyền hình số trên toàn quốc".
Những năm tiếp theo, Đài VTC tiếp tục với sứ mệnh tiên phong đưa "cánh sóng" truyền hình số vươn xa nhờ sức trẻ mạnh mẽ và nhờ việc tiếp cận nhanh với công nghệ truyền hình hiện đại.
Lần lượt các kênh sóng ra đời, ban đầu là 5 kênh, sau tăng dần lên 15 kênh truyền hình và 1 báo điện tử. Mỗi kênh sóng, mỗi chương trình của Đài VTC đều tạo được dấu ấn mới mẻ trong lòng công chúng. Đó là các bản tin thời sự trực tiếp trên Kênh VTC1; các chương trình bình luận thể thao và phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh trên VTC3; chương trình về Công nghệ Thông tin & Truyền thông trên VTC2; chương trình Văn hóa - Nghệ thuật, Kinh tế & Hội nhập trên VTC6…
Tính chất năng động của một Đài Truyền hình trẻ trung đã thu hút được sự hợp tác, đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực truyền thông, liên kết sản xuất chương trình… góp phần tạo nên sự phong phú trên các kênh sóng; nổi bật như VTC7 với seri phim truyện dài tập có thời điểm làm "nóng" không gian xem phim trong hầu hết gia đình Việt; VTC9 bền bỉ tạo không gian văn hoá, giải trí ấn tượng, đặc biệt thân thuộc với người xem truyền hình khu vực miền nam; VTC5 với các chương trình giải trí gần gũi với cuộc sống…
Trong 3 năm từ năm 2008 - 2011, Đài VTC lần lượt được Chính phủ đặt hàng, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động 3 Kênh Truyền hình làm nhiệm vụ công ích: VTC10 đưa văn hoá Việt đến với đồng bào ta ở xa tổ quốc; VTC14 làm nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; VTC16 hướng tới nhóm khán giả và mục tiêu nông nghiệp - nông thôn - nông dân.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC chia sẻ: "Lúc đó, Chính phủ hình dung VTC ở một mô hình mới. Thứ nhất là hoạt động như một doanh nghiệp. Thứ hai là luôn bám sát tuyên truyền phục vụ Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của 3 kênh truyền hình công ích là điển hình cho mô hình này".
Cũng trong năm 2008, VTC là Đài Truyền hình đầu tiên tại Việt Nam phát sóng các kênh truyền hình độ nét cao tiêu chuẩn HD, cơ quan chủ quản của Báo điện tử VTC News khi Báo chính thức được thành lập ngày 7/7/2008
Trên cơ sở quy hoạch quản lý, phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025, ngày 2/6/2015, Thủ tướng ký quyết định chuyển Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC từ Bộ Thông tin và Truyền thông về trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình lịch sử của Đài VTC khi Đài chính thức trực thuộc cơ quan báo chí chủ lực quốc gia
Trong mái nhà chung VOV, Đài VTC tiếp tục phát triển vững chắc với vị trí, vai trò là một Đài Truyền hình lớn, phủ sóng quốc gia; vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; vừa tiếp tục tạo ảnh hưởng ngày càng sâu, rộng trong lòng khán giả và trên thị trường.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) chia sẻ: "Trong chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, Đài VTC đã khẳng định được vị thế và giá trị thương hiệu. Các hoạt động tuyên truyền của Đài những năm qua nhận phản hồi tích cực từ các cấp lãnh đạo Trung ương, địa phương và đông đảo người dân. Đây là minh chứng thể hiện sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và người dân dành cho Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung và Đài VTC nói riêng".
Ông Trần Đức Thành, Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nhận định: "Đài VTC trong giai đoạn mới vừa kế thừa giá trị mà các thế hệ đã dựng xây, vừa có định hướng phát triển phù hợp với đặc thù và bối cảnh thực tế. Đài xác định nội dung chính thống là giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu, chỗ đứng trong lòng khán giả đồng thời cũng xác định chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược quan trọng trong bối cảnh công nghệ thay đổi, thị trường thay đổi và công chúng cũng đang dịch chuyển từng ngày".
5 năm trở lại đây, dù gặp không ít khó khăn, nhưng nhiệm vụ đưa "cánh sóng" truyền hình số vươn xa vẫn luôn được Đài VTC hiện thực hóa bằng nỗ lực, ý chí quyết tâm "vượt sóng" đầy mạnh mẽ.
Chỉ trong vòng 5 năm, Đài ghi nhận số lượng giải thưởng báo chí quốc gia, các giải thưởng báo chí, truyền hình lớn… đạt kỷ lục với gần 100 giải. Rất nhiều tác phẩm báo chí của VTC có sức tác động xã hội đặc biệt mạnh mẽ.
Đài VTC hiện là một trong số ít cơ quan báo chí tại Việt Nam thực hiện cơ chế tự chủ toàn phần. Trong bối cảnh thị trường quảng cáo ngày càng suy giảm, đây là một thách thức lớn đang đặt ra không chỉ đối với riêng Đài VTC. Mặc dù vậy, theo đo lường của Kantar Media, trong suốt 4 năm từ 2020 - 2024, lượng khán giả (rtg%) và thị phần khán giả (Share%) của Kênh Truyền hình thiết yếu quốc gia VTC1 luôn đứng vững trong và Top 5 tại thị trường Hà Nội và Top 10 tại thị trường TP.HCM. Các Kênh Truyền hình khác của VTC cũng được đối tác, khách hàng đánh giá cao.
Về chuyển đổi số, Đài VTC xây dựng thành công hệ sinh thái số VTC Now với hơn 20 triệu đăng ký theo dõi trên các nền tảng phổ biến tại Việt Nam. Năm 2020, mô hình VTC Now được Quỹ sáng tạo Google Initiative lựa chọn và giới thiệu ra toàn cầu bên cạnh các tên tuổi như Fox News, Washington Post, New York Times, NBC News, Bloomberg…
Năm 2021, Đài VTC được vinh danh ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc" tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Theo Báo cáo toàn cảnh Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2023, VTC nằm trong Top 5 các Đài Truyền hình dẫn đầu về mức độ trưởng thành chuyển đổi số.
Bước sang năm 2024, Đài VTC tiếp tục có thêm nhiều đối tác quốc tế quan tâm tìm đến hợp tác, đó là các Hãng thông tấn, các Tập đoàn báo chí - truyền thông lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Theo cách nói nội bộ của người VTC: "Không ở đâu có đường, chỉ có người VTC đi mãi mới thành đường". Đây là cách nói mang tính truyền cảm hứng nhưng điều này cũng thể hiện sự lạc quan, tin tưởng và quyết tâm "vượt sóng" của hơn 700 Cán bộ, Phóng viên, Biên tập viên, Kỹ thuật viên… của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Hành trình lịch sử 20 năm đã qua và hành trình tương lai sắp tới của Đài VTC sẽ luôn là một hành trình khát khao, vươn lên mạnh mẽ như thế.