Nữ nhà thơ bùng nổ với bữa tiệc thị giác
Nữ nhà thơ Ng.anhanh vừa cho ra mắt buổi triển lãm tranh thứ 2 trong sự nghiệp của mình với chủ đề “Làm màu” tại Chu Artspace (33/1B Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận, TPHCM) nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 này.
Nói về triển lãm lần này, Ng. anhanh chia sẻ: "Làm màu" theo nghĩa lóng của tiếng Việt hàm chỉ một người thích tô vẽ bản thân, thể hiện cái tôi cá nhân và hiện nay thì từ ngữ này dần chuyển hướng không còn nghĩa tiêu cực hàm ý dè bỉu nữa, mà như một lời chấp nhận sự khẳng định thể hiện bản thể, dù cho có thể gây chướng mắt đối với những định kiến. Với tôi, "làm màu" trong hội họa đi theo đúng nghĩa đen của nó, chính là chơi đùa và thực hành với màu sắc".
Cô có tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Anh, sinh 1984 tại Sài Gòn. Cô đã sáng tác thơ được hơn 16 năm với các bút hiệu Tiểu Anh, Anh Anh…, và đã in một tập thơ song ngữ Đã là một phiền toái (2019) - tập thơ được đánh giá cao trong giới chuyên môn vì đã thể hiện một cá tính mạnh mẽ không che đậy với lối thơ tự thú lần đầu xuất hiện trong thơ tiếng Việt. Thơ của ng. anhanh cũng được dịch và giới thiệu ở Thụy Điển, Séc…
Triển lãm tranh đầu tiên của nữ nhà thơ xinh đẹp ra mắt vào tháng 12/2021 tại TP.HCM với tên gọi Theo đuổi những phiền toái. Đúng như những câu thơ của cô: "Anh ra đi tháng ba/quẳng lại sau lưng lời chia tay cũ rích/dòng đời ngắn ngủi/ em về soi bóng mình/dưới sông một con hủi/ đầy đủ 10 ngón tay dài, thon, nhọn/nhưng không thể cầm nắm bất cứ thứ gì/vậy mà vui".
Trong hội họa của ng.anhanh, có khi là vẽ, có khi là tô, có khi như đang phá phách, có khi như đang uốn nắn, có khi lại ngạo nghễ, có khi chấm phá và có khi viết nguệch ngoạc... Một kiểu chơi không theo lề thói.
Những sắc màu cứ thế va chạm vào nhau, nương tựa, và luồn lách qua nhau. Nhưng ta vẫn cảm nhận tính hòa nhập mà không bị hòa tan, đa sắc mà không rơi vào trạng huống hỗn mang. Sự trật tự một cách tự nhiên, với những khoảng trống giấy là sự cân bằng và cũng là khoảng thở cho tác phẩm.
Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng nhận định về triển lãm của Ng.anh anh: "Tuy tiếp nối Theo đuổi những phiền toái (2021), nhưng lần thứ hai này bằng chất liệu màu acrylic trên giấy, thay cho những bức acrylic trên bố khổ lớn của lần trước, đầy tràn sắc thái trừu tượng trữ tình. Lần nay là nỗ lực thử nghiệm phong cách tachist (achisme, tạm dịch: Vệt màu), kết hợp trừu tượng biểu hiện hành động và được thể hiện trực quan hơn.
Đây là sự bùng nổ trên những trang giấy, một cuộc bạo loạn của màu sắc, những hành vi tự phát, nhưng không thiếu sự kiểm soát cả chất liệu lẫn kỹ thuật. Những khối màu nguyên thủy hơn, rực rỡ và có vẻ lạc quan hơn, đôi khi có những ký hiệu, hoặc hình tượng ẩn giấu, nhưng chỉ là cái cớ để ban cho màu sắc và nét cọ có đời sống riêng của chúng".