Thứ ba, 31/12/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 1/1: Thế giới ghi nhận một năm “hạ nhiệt”

Giá xăng dầu hôm nay 1/1 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang1

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1/1 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 26/12 của liên bộ Tài chính – Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 427 đồng/lít, xuống còn 19.817 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 457 đồng/lít, xuống còn 20.547 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S giảm 103 đồng/lít, xuống còn 18.630 đồng/lít; dầu hỏa giảm 260 đồng/lít, xuống còn 18.708 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 67 đồng/kg, ở mức 15.970 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút.

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 51 phiên điều chỉnh, trong đó có 24 phiên giảm, 20 phiên tăng và 8 phiên trái chiều.

Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Theo diễn biến thị trường hiện nay, dự báo trong kỳ điều hành giá kỳ tới, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh tăng. Trong đó, giá xăng có thể tăng khoảng 150 đồng/lít; dầu tăng khoảng 70 đồng/lít.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 5h ngày 1/1 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 71,86 USD/thùng, tăng 1,23% (tương đương tăng 0,87 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 74,83 USD/thùng, tăng 0,88% (tương đương tăng 0,65 USD/thùng).

Giá dầu giảm khoảng 3% vào năm 2024, giảm trong năm thứ hai liên tiếp, do nhu cầu phục hồi sau đại dịch bị đình trệ, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn và Mỹ cùng các nhà sản xuất khác ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu thô vào thị trường toàn cầu vốn có nguồn cung dồi dào.

Theo kết quả cuộc thăm dò hàng tháng của Reuters, giá dầu có khả năng sẽ giao dịch ở mức khoảng 70 USD/thùng trong năm nay, do nhu cầu yếu của Trung Quốc và nguồn cung toàn cầu tăng, bù đắp cho những nỗ lực củng cố thị trường của OPEC và các đồng minh (OPEC+).

Triển vọng nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc nói riêng đã buộc cả OPEC  và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) phải cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025. IEA dự báo, thị trường dầu mỏ sẽ bước vào năm 2025 với tình trạng thặng dư, ngay cả sau khi OPEC+ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho đến tháng 4/2025 trong bối cảnh giá dầu giảm.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 259.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục là 13,46 triệu thùng/ngày vào tháng 10/2024, khi nhu cầu tăng vọt lên mức mạnh nhất kể từ đại dịch. EIA cho biết sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng lên mức kỷ lục mới là 13,52 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Năm 2025, các nhà đầu tư sẽ theo dõi triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed trong tháng 12/2024 dự báo lộ trình sẽ chậm lại do lạm phát vẫn ở mức cao. Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

Cùng chuyên mục